Hội xây dựng Bình Định

https://hxdbinhdinh.org.vn


Bộ Xây dựng: Sẽ tổng kiểm tra thu phí chung cư

Trước tình trạng người dân và chủ đầu tư các khu chung cư cao cấp xảy ra tranh chấp và không thể giải quyết được bằng thỏa thuận, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết Bộ Xây dựng sẽ có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra định kỳ về vấn đề quản lý, dịch vụ của các khu chung cư, trong đó có chung cư cao cấp.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng. (Ảnh: Lantoday)

 

       Tuy nhiên, trong trường hợp có mâu thuẫn lớn giữa chủ đầu tư và cư dân, đồng thời có nhiều vi phạm, dư luận phản ánh nhiều thì Bộ Xây dựng sẽ tiến hành tổng kiểm tra làm rõ. Sắp tới Bộ Xây dựng cũng sẽ nghiên cứu để sửa đổi những quy định từ công tác phát triển đến công tác quản lý để phù hợp hơn, tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân.

 

 

        Về việc TP Hà Nội đã có quy định rõ về quản lý chung cư, trong đó có mức phí dịch vụ nhưng vẫn có một số chung cư thu "vượt rào” so với mức trần phí dịch vụ và chủ đầu tư có những vi phạm, ông Hà cho rằng người mua nhà phải đọc kỹ các thỏa thuận trước khi kí kết các hợp đồng thuê/mua nhà để đảm bảo quyền lợi. Trong Nghị định 71/CP (ban hành ngày 29-6-2010) và các quy định hiện hành khác đã quy định rõ, hai bên phải tôn trọng thỏa thuận trong hợp đồng, trong đó có phụ lục hợp đồng về vấn đề phí dịch vụ, quản lý, tài sản sở hữu riêng và  sở hữu chung…

 


        Nguyên tắc của quản lý Nhà nước là tôn trọng thỏa thuận trong hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và người dân, với điều kiện những thỏa thuận này phải đúng theo quy định của pháp luật; hoặc đối với những chung cư xây dựng trước khi những văn bản pháp luật của Nhà nước ban hành thì phải thực hiện theo khung giá của Nhà nước.

 


        Những chung cư xây dựng sau khi ban hành Nghị định 71/CP thì hai bên phải thực hiện theo quy định, tức là thỏa thuận trong mua bán nhà ban đầu, vì thế Nhà nước không can thiệp được.

 


        Tuy nhiên, việc thu phí dịch vụ của các nhà đầu tư quá cao, vượt trần quy định rất nhiều dẫn đến cư dân không chịu và xung đột xảy ra trong thời gian gần đây, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội địa phương để ban hành giá trần phí dịch vụ những khu chung cư không có thỏa thuận của chủ đầu tư với người dân. Tuy nhiên, Hà Nội, TPHCM và các TP khác cần sớm thành lập ban quản trị tại các khu chung cư bởi ban quản trị rất quan trọng trong việc vận hành, xử lý mâu thuẫn và luật đã quy định phải thực hiện.

 


        Giá dịch vụ chung cư: Nhà giàu cũng khóc

 


        Thời gian gần đây, báo chí liên tục đưa tin các khu chung cư đặc biệt các chung cư cao cấp vi phạm hợp đồng và bắt chẹt người dân với giá dịch vụ "cắt cổ" khiến người dân bức xúc, tập trung nhau lại phản đối nhà đầu tư, gây mất trật tự an ninh trên địa bàn Thành phố.

 


        Theo Quyết định số 4520/QĐ-UBND của UBND Tp. Hà Nội ngày 29-9-2011 về giá trần phí dịch vụ nhà chung cư tại Hà Nội: Có 3 mức giá trần là 2.400 đồng/m2, 3.100 đồng/m2 và 4.000 đồng/m2 cho từng loại nhà chung cư khác nhau. Mức giá trên được áp dụng tạm thời trong 1 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực (ngày 29-9-2011). Cụ thể, đối với nhà chung cư không có thang máy, giá trần là 2.400 đồng/m2/tháng cho các dịch vụ: quét dọn, vệ sinh diện tích công cộng của tòa nhà đảm bảo sạch gọn (1 ngày/1 lần); quản lý, vận hành các phương tiện kỹ thuật của tòa nhà theo quy định của nhà sản xuất và chuyên ngành; thay, rửa bể nước đảm bảo vệ sinh (6 tháng/lần); bảo vệ an ninh, trật tự trong và ngoài tòa nhà.

 

        Đối với nhà chung cư có thang máy, mức phí trần được đưa ra là 3.100 đồng/m2/tháng, ngoài việc được hưởng các dịch vụ như nhà không có thang máy người dân còn được tổ chức diễn tập an toàn phòng chống cháy nổ mỗi năm một lần. Tương tự, với mức phí 4.000 đồng/m2/tháng của nhà chung cư có thang máy, người dân sẽ được hưởng thêm các quyền lợi như tổ chức phun thuốc diệt côn trùng mỗi năm 1 lần; chăm sóc cây xanh thảm cỏ thuộc khuôn viên nhà chung cư; lễ tân trực theo giờ hành chính.

 


        Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là quy định này liệu có chấm dứt được tình trạng loạn giá? Trên thực tế, phí chung cư chỉ là một phần nhỏ trong “gói” sinh hoạt tại các chung cư. Bởi vì ngoài loại phí này, các khoản phí khác có thể “gây loạn” là phí gửi xe và các loại phí dịch vụ khác.

 


        Sau gần 3 tháng kể từ ngày áp dụng quyết định của UBND thành phố, sự bức xúc của người dân các khu chung cư đối với chủ đầu tư vi phạm vẫn chưa hề giảm nhiệt mà còn có phần gia tăng. Đơn cử như tòa nhà Keangnam, sau nhiều lần người dân đấu tranh nhưng chủ đầu tư cũng chỉ hạ mức phí quản lý từ 0,99USD/m2/tháng xuống còn 18.600 đồng/m2. Đỉnh điểm của mâu thuẫn này là xảy ra xung đột giữa chủ đầu tư và chủ sở hữu căn hộ tại tòa nhà được cho là cao cấp nhất Việt Nam này. Chủ đầu tư cắt thang máy, điện nước... Cư dân đã phải đốt bếp than tổ ong để nấu ăn. Cuộc đối đầu tập trung đông người làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn, đến nỗi lực lượng Công an, chính quyền địa phương phải can thiệp cương quyết, lúc này chủ đầu tư mới nhượng bộ.


        Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều người, xung đột mới chỉ tạm thời lắng xuống chứ chưa được giải quyết triệt để.

 

 Keangnam- một trong những khu nhà ở cao cấp tại HN có mức phí cao ngất ngưởng. (Ảnh: Wikipedia)

 

        Không chỉ bị o ép, phiền toái đủ đường và chất lượng dịch vụ không tương xứng, nhiều hộ dân tại các chung cư cao cấp còn phải chịu những khoản phí với giá cắt cổ

 


        Không “nóng” như Keangnam nhưng các chung cư cao cấp khác như The Manor, Ciputra, Sky City... cũng đang âm ỉ bởi những ấm ức của người dân ở đây về mức phí dịch vụ. Tại The Manor, không chấp nhận mức giá “trên trời” của chủ đầu tư, năm 2008, cư dân The Manor thành lập Ban đại diện lâm thời và đã tự tính giá dịch vụ chỉ là 4.500 đồng/m2 (trong khi chủ đầu tư đưa ra giá 6.600 đồng/m2). Tiếp đến năm 2009-2010, chủ đầu tư lại đưa ra giá 7.500 đồng/m2 nhưng người dân tự tính giá chỉ có 6.500 đồng/m2. Năm 2011, Tổ dân phố đề nghị tạm thu giá dịch vụ 8.000 đồng/m2.

 


        Mức phí “khủng” vẫn được giữ nguyên tại các chung cư cao cấp như: Ciputra 6.300 đồng/m2/tháng, Sky City 8.000 đồng/m2 /tháng, Golden West Lake 0,88USD/m2/tháng (tương đương 18.600/đồng/m2/tháng)…

 


        Theo khảo sát của phóng viên, một số chung cư bình dân khác cũng bị tăng giá thêm sau khi áp dụng Quyết định số 4520. Đơn cử như Chung cư Licogi13 (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội), tháng 8-2011, chủ đầu tư tăng phí dịch từ 120.000 đồng/căn hộ lên 150.000/căn hộ nhưng cư dân ở đây không đồng ý. Bắt đầu từ tháng 11, chủ đầu tư đơn phương áp dụng mức phí 3.100 đồng/m2 song cư dân ở đây không chấp nhận vì Licogi13 cố tình hiểu sai quyết định của thành phố. Cụ thể là, không đưa các khoản thu khác như: Trông giữ xe, cho thuê ki ốt, cho thuê chỗ để cột ăng ten, biển quảng cáo vào giá thành vận hành tòa nhà. Hay tại chung cư Pháp Vân - Tứ Hiệp, từ tháng 10-2011, các hộ dân đều phải thu tăng từ 20.000 đến 30.000/căn hộ/tháng tùy theo độ cao từng tòa nhà. Chung cư ở Đại Kim cũng bị tăng thêm 20.000 đồng/căn hộ/tháng.

 


        Tại chung cư Kinh Đô, ngoài phí gửi xe vượt trần so với quy định của TP Hà Nội, từ khi cư dân về sinh sống, chủ đầu tư đã thu 5.000 đồng/m3 nước sạch và sau đó lại tiếp tục tăng lên 6.000 đồng/m3, trong khi giá nước sạch theo quy định của Nhà nước ở thời điểm đó chỉ 2.800 đồng/m3. Khi người dân thắc mắc vì sao thu quá cao thì chủ đầu tư là Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô lấy lý do tòa nhà mới sử dụng nên chưa tách được khối văn phòng với khối nhà ở, tạm thời nộp ở mức đó, khi nào tách được sẽ trả lại tiền cho người dân theo đúng mức giá của Nhà nước. Tuy nhiên, sau nhiều năm, chủ đầu tư vẫn lờ tịt việc hoàn trả tiền cho người dân.

 


        Mới đây,  đại diện cư dân một số chung cư cao cấp trên địa bàn Hà Nội gồm Keangnam Hà Nội Landmark Tower (đường Phạm Hùng), Kinh Đô (93 Lò Đúc), Golden Westlake (đường Hoàng Hoa Thám) và Sky City (88 Láng Hạ) đã cùng ký đơn gửi UBND TP Hà Nội kiến nghị ban hành quy định về mức giá trần đối với phí quản lý nhà chung cư.  Bà Trịnh Thúy Mai, đại diện cư dân Keangnam, cho biết mức phí quản lý nơi đây quá cao và vi phạm về quy định ngoại hối, mức phí gửi xe cũng cao hơn rất nhiều so với quy định của UBND TP Hà Nội. Sau khi cư dân nhiều lần đấu tranh, kiến nghị, chủ đầu tư buộc phải giảm phí gửi xe cho cư dân nhưng lại quay sang bắt chẹt khách bằng phí gửi xe “cắt cổ”, với 20.000 đồng/xe máy và 60.000 đồng/ô tô/lượt.

 

 

        Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên nhân của việc phí chung cư mỗi nơi một giá gây xung đột giữa các bên là do bản thân chủ đầu tư chưa công khai minh bạch mức phí và họ cũng không giải thích rõ cho người dân hiểu. Đồng thời một phần cũng do người dân chưa quan tâm tới quyền lợi và trách nhiệm của mình, có thể khi mua bán nhà họ không đọc kỹ hợp đồng.

 

 

Đã giải quyết khiếu nại của 3 ban quản trị chung cư


Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, đến nay chỉ có một số ít chung cư (trong tổng số hàng ngàn chung cư cả nước) không thực hiện đúng quy định của pháp luật và dẫn tới xung đột quyền lợi với người dân. Một số ban quản trị chung cư gửi thư khiếu nại trực tiếp lên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản và đã được giải quyết như chung cư Sky City 88 Láng Hạ, The Manor (Từ Liêm), Kinh Đô (93 Lò Đúc), còn Keangnam (đường Phạm Hùng) mới được nghe phản ánh mà chưa tiếp nhận đơn thư. Những trường hợp đơn thư của hộ gia đình, các ban quản trị gửi đến thì Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo để các cơ quan chuyên trách kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật và  xử lý nếu có vi phạm. (Lantoday)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây