Luật Kiến trúc 2019: 7 điểm đáng chú ý nhất

Thứ hai - 14/10/2019 10:07
Ngày 13/6/2019, Quốc hội chính thức thông qua Luật Kiến trúc 2019. Đây là một trong những luật mới được đánh giá là thiết thực và bắt kịp với thế giới.

1. Kiến trúc phải thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc

Đây là nội dung được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu thảo luận, đề cập tại các hội nghị trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng. Và từ nay, nội dung này đã chính thức được luật hóa trong Luật Kiến trúc.

Cụ thể tại Điều 5, “bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc bao gồm đặc điểm, tính chất tiêu biểu, dấu ấn đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa, nghệ thuật; thuần phong mỹ tục của các dân tộc; kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng, được thể hiện trong công trình kiến trúc, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam”.

Việt Nam là một quốc gia đa văn hóa với nhiều dân tộc khác nhau, do đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và quy định nội dung yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong quy chế quản lý kiến trúc phù hợp với địa bàn.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc.

 

2. 3 đối tượng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề

Để đảm bảo chất lượng của các công trình kiến trúc, Điều 21 của Luật chỉ rõ 03 đối tượng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề. Cụ thể là cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế kiến trúc, cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc và kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân.

Với những cá nhân không có chứng chỉ hành nghề thì được tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc trong các tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân.

 

3. Chứng chỉ hành nghề kiến trúc có thời hạn 10 năm

Theo Điều 27, chứng chỉ hành nghề kiến trúc có thời hạn 10 năm và được sử dụng trong phạm vi cả nước. Chứng chỉ này chỉ được cấp cho người đáp ứng đủ 03 điều kiện:

- Có trình độ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc;

- Có kinh nghiệm tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc tối thiểu 03 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân;

- Đạt yêu cầu sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

Sau khi hết thời hạn, người này phải bảo đảm phát triển nghề nghiệp liên tục và không vi phạm Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề được làm thủ tục gia hạn chứng chỉ.

 

4. Hội đồng tư vấn về kiến trúc chỉ được thành lập theo vụ việc

Nếu như các hội đồng quốc gia khác được thành lập và duy trì hoạt động suốt đời thì Hội đồng tư vấn về kiến trúc chỉ được thành lập theo vụ việc, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và tự giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ.

Cụ thể, Điều 16 nêu rõ, Hội đồng tư vấn về kiến trúc quốc gia do Thủ tướng quyết định thành lập khi cần thiết để tư vấn về lĩnh vực kiến trúc và kiến trúc của một số công trình quan trọng.

Thành viên Hội đồng chịu trách nhiệm trước pháp luật và người quyết định thành lập về nội dung tham mưu, tư vấn của mình.

5. Áp dụng mẫu thiết kế riêng cho khu vực thường xảy ra thiên tai

Điều 11 của Luật đề cập “Đối với khu vực thường xảy ra thiên tai, khuyến khích áp dụng mẫu thiết kế kiến trúc cho công trình công cộng và nhà ở nông thôn bảo đảm yêu cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai”.

Tuy điều luật này mới chỉ mang tính chất khuyến khích nhưng cũng là tiền đề để các kiến trúc sư, nhà quy hoạch nghiên cứu thiết kế các công trình phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai đem lại đối với cuộc sống của người dân.

 

6. Nhiều công trình của địa phương phải tổ chức thi tuyển

Thi tuyển phương án kiến trúc là việc tổ chức cuộc thi để chọn phương án kiến trúc tối ưu, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

Theo Điều 17, các công trình phải thi tuyển phương án kiến trúc bao gồm:

- Công trình công cộng có quy mô cấp đặc biệt, cấp I;

- Nhà ga đường sắt trung tâm tỉnh, nhà ga hàng không dân dụng; cầu trong đô thị từ cấp II trở lên, ga đường sắt nội đô từ cấp II trở lên; công trình tượng đài, công trình là biểu tượng về truyền thống, văn hóa và lịch sử của địa phương; công trình quan trọng, điểm nhấn trong đô thị và các tuyến đường chính.

7. Tạo điều kiện cho người nước ngoài hành nghề kiến trúc tại Việt Nam

Nội dung này thể hiện khá rõ tinh thần của cơ chế mở cửa thị trường ở nước ta hiện nay. Rõ ràng, Luật đặt ra 02 điều kiện để người nước ngoài được hành nghề kiến trúc tại Việt Nam:

- Có chứng chỉ hành nghề kiến trúc tại Việt Nam hoặc có chứng chỉ hành nghề kiến trúc đang có hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp và được Việt Nam công nhận, chuyển đổi;

- Tuân thủ pháp luật Việt Nam và Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề của Việt Nam.

Có thể thấy, các điều kiện này không có nhiều khác biệt so với kiến trúc sư trong nước.

Trên đây là 07 điểm đáng chú ý của Luật Kiến trúc 2019 và Luật này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

Thùy Linh

Tác giả bài viết: HT (ST)

Nguồn tin: luatvietnam.vn

 Từ khóa: Luật

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây