Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp mang tính cốt lõi

Thứ bảy - 21/04/2018 16:47
(Xây dựng) – Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng, diễn ra sáng 20/4, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã đề xuất nhiều giải pháp mang tính cốt lõi, được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng đánh giá cao. Đó là các giải pháp tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng, sửa đổi, bổ sung ngay những quy định không còn phù hợp và đã được đánh giá tác động, liên quan đến luật: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Ngân sách, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quản lý phát triển đô thị và các nghị định, thông tư hướng dẫn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp mang tính cốt lõi

Thống nhất các kế hoạch đầu tư công

Đối với Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư, sửa đổi Điều 49 Luật Đầu tư công và Điều 17, Điều 43 Luật Ngân sách theo hướng đảm bảo tính thống nhất, tính kế thừa giữa Kế hoạch đầu tư công trung hạn và Kế hoạch tài chính 05 năm, Kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 03 năm.


Bộ trưởng Phạm Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị.

Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Đầu tư công theo hướng dự án nhóm A là “Dự án đầu tư trong địa giới của di tích theo quyết định công nhận di tích quốc gia đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền; dự án đầu tư ngoài địa giới di tích nhưng tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt và có ảnh hưởng trực tiếp đến di tích theo quy định của pháp luật về bảo tồn di sản quốc gia và quy định chi tiết của Chính phủ”.

Sửa điểm b, c khoản 1 Điều 8 thành “Dự án tối mật, tuyệt mật. Mức độ mật của Dự án được xác định theo quy định của pháp luật” nhằm đảm bảo tính khả thi khi đánh giá, xếp loại dự án nhóm A.

Sửa khoản 3, 5 Điều 17 theo hướng Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách trung ương và giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng toàn bộ vốn cân đối ngân sách địa phương.

Bỏ điểm c của Điều 39 Luật Đầu tư công để đảm bảo sự phù hợp của Luật Đầu tư công và Luật Luật Tổ chức chính quyền địa phương (việc phân cấp được thực hiện giữa cơ quan cấp trên với chính quyền địa phương hoặc cơ quan cấp dưới, cá nhân không có thẩm quyền phân cấp). Sửa quy định tại điểm b, d khoản 3 Điều 75; điểm c khoản 4 Điều 75 của Luật Đầu tư công theo hướng phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc điều hoà vốn giữa các dự án trong nội bộ của ngành, địa phương trong giới hạn tổng mức đầu tư của từng dự án, tổng vốn đầu tư trong kế hoạch đầu tư công được duyệt.

Bổ sung quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 46 của Luật Đầu tư Công theo hướng Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho phép điều chỉnh từ nhóm C hoặc B lên nhóm A đối với dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc cho phép điều chỉnh từ nhóm C hoặc B lên nhóm A đối với dự án sử dụng toàn bộ nguồn vốn ngân sách địa phương. Giao Chính phủ hướng dẫn việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ nhóm C lên nhóm B và điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư nhưng không làm thay đổi phân loại dự án.

Sửa khoản 13 Điều 4 của Luật Đầu tư công 2014 theo hướng dự án đầu tư công là dự án sử dụng 30% vốn đầu tư công trở lên hoặc sử dụng vốn đầu tư công dưới 30% nhưng lớn hơn 500 tỷ.

Sửa khoản 21 Điều của Luật Đầu tư công 2014 theo hướng thu gọn danh mục nguồn vốn công, không quy định vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là vốn công.

Sửa Điều 17 của Luật Đầu tư công 2014 theo hướng dự án đầu tư công phải được thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; việc xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư khác thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư và Pháp luật chuyên ngành.

Sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật Đầu tư công 2014 theo hướng điều kiện để bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn là đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trừ các dự án đang thực hiện xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.

Bổ sung chế tài đối với việc thẩm định, thông báo, phân bổ vốn đầu tư công chậm so với thời gian quy định. Bổ sung quy định tại điểm g, Khoản 1, Điều 91 Luật Đầu tư công theo hướng bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp “Ủy quyền cho Thường trực HĐND cùng cấp xem xét, cho ý kiến, quyết định chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công thuộc cấp mình quản lý theo quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản này và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất”.

Sửa đổi quy định của các điều 29, 30, 31 của Luật Đầu tư công theo hướng “cấp nào quản lý dự án, cấp đó quyết định chủ trương đầu tư”. Sửa quy định tại khoản 4 Điều 25 của Luật đầu tư công theo hướng phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án Nhóm B, C do cơ quan trung ương các tổ chức chính trị - xã hội… quản lý cho người đứng đầu các cơ quan trung ương các tổ chức chính trị - xã hội…

Xác định giá bồi thường

Đối với Luật Đất đai, sửa đổi, bổ sung quy định xác định giá bồi thường khi thu hồi đất theo phương pháp thị trường. Điều chỉnh quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 của Luật Đầu tư và điểm i khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai theo hướng thống nhất về thời gian chậm triển khai thực hiện dự án bị thu hồi đất giữa hai Luật.

Sửa quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 58 Luật đất đai theo hướng mở rộng các hình thức bảo đảm thực hiện dự án như bảo lãnh của Ngân hàng, đặt cọc bằng Séc của Ngân hàng.

Đối với Luật Bảo vệ môi trường, sửa quy định tại điểm a khoản 2 Điều 25 của Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 “Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án” theo hướng cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án trên cơ sở báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ được duyệt.

Giản lược những nội dung không cần thiết

Đối với Luật Xây dựng, sửa Điều 35, Điều 36 của Luật Đầu tư công 2014, Điều 53 Luật Xây dựng 2014 theo hướng giản lược những nội dung không cần thiết trong báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; bổ sung các trường hợp được phép không lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng, chỉ cần lập tờ trình xin phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng đã nằm trong quy hoạch chuyên ngành được duyệt; các dự án đầu tư xây dựng cấp bách, có ý nghĩa quan trọng về chính trị và ngoại giao.

Bổ sung quy định về vị trí, vai trò, mục đích sử dụng của tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, định mức kinh tế - kỹ thuật, kết quả lựa chọn nhà thầu, hợp đồng xây dựng tại Điều 132, Điều 134, Điều 135, Điều 136, Điều 139 của Luật Xây dựng năm 2014.

Sửa Điều 82, Điều 84 của Luật Xây dựng 2014 liên quan đến thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước thực hiện theo hình thức hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (hợp đồng EPC), hợp đồng thiết kế và cung cấp thiết bị công nghệ (hợp đồng EP), hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình (hợp đồng EC), chìa khoá trao tay; phù hợp với bản chất của các loại hợp đồng.

Bổ sung quy định nội hàm, mức độ chi tiết của thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED); thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED) và dự toán tương ứng.

Sửa một cách đồng bộ quy định về phân loại nguồn vốn, cơ chế quản lý vốn trong Luật Ngân sách, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Pháp luật về quản lý, sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (vốn ODA).

Sửa quy định làm rõ thời gian làm việc của chuyên gia tư vấn nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam là thời gian của từng lần huy động hay tổng thời gian của các lần huy động.

Sửa một số quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và hợp đồng xây dựng quy định tại Nghị định số 32/2015/NĐ-CP và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.

Quy định chi tiết lựa chọn nhà thầu

Đối với Luật Đấu thầu, bổ sung các quy định chi tiết về quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục, nội dung phương án lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt tại Điều 26 của Luật Đấu thầu 2013 hoặc Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Bổ sung phạm vi điều chỉnh quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 1 Nghị định 30/2015/NĐ-CP đối với Dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa.

Sửa Điều 22 của Luật Đấu thầu 2013 theo hướng mở rộng phạm vi chỉ định thầu đối với các hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng đã được cơ quan quản lý Nhà nước công bố, ban hành định mức chi phí, năng lực của các nhà thầu đã được chứng nhận, xác nhận.

Sửa Điều 6 Nghị định 30/2015/NĐ-CP theo hướng: Chỉ quy định mốc thời gian tối thiểu cho chuẩn bị hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Đối với các thời hạn khác trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư (như lập, thẩm định, trình phê duyệt các nội dung trong đấu thầu) do người có thẩm quyền chịu trách nhiệm phê duyệt và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng các hoạt động trong lựa chọn nhà đầu tư.

Sửa Nghị định 30/2015/NĐ-CP về lựa chọn nhà đầu tư theo hướng sơ tuyển quốc tế được áp dụng đối với dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A. Đối với dự án PPP nhóm B, nhóm C cho phép áp dụng đấu thầu rộng rãi trong nước mà không sơ tuyển.

Bổ sung các loại hình bất động sản mới vào luật

Đối với Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật đất đai, Luật Xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản liên quan đến nội dung mua bán, chuyển nhượng các loại hình bất động sản mới như căn hộ - du lịch (condotel), căn hộ – văn phòng (officetel), shop-house, biệt thự du lịch.

Sửa Luật Đất đai theo hướng cho phép loại đất thương mại, dịch vụ, du lịch được sử dụng ổn định lâu dài, nộp tiền sử dụng đất tương tự như đất ở. Bổ sung quy định về nội dung, thành phần hồ sơ trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thực hiện dự án đầu tư phát triển khu đô thị, dự án kinh doanh bất động sản, dự án nhà ở trong Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng.

Ngoài ra, nghiên cứu, đề xuất các dự án luật mới nhằm giải quyết các tồn tại theo yêu cầu của thực tiễn như Luật Quản lý phát triển đô thị, trong đó có quy định về trình tự, thủ tục, nội dung, quyền và trách nhiệm của các bên có liên quan trong quá trình thi công, nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án phát triển đô thị.

Xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó quy định kết quả lựa chọn nhà đầu tư, hợp đồng dự án đã được ký kết có tính pháp lý cao nhất, là cơ sở để xác định giá sản phẩm, dịch vụ của dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.


Toàn cảnh Hội nghị.

Các đề xuất mang tính cốt lõi, cụ thể nói trên của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhằm "tháo gỡ" khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng, được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng đánh giá cao. Đề xuất này không chỉ là kết quả rà soát tổng thể pháp luật về đầu tư xây dựng của Bộ Xây dựng, mà còn là kết quả tổng hợp góp ý của các địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp qua các cuộc hội nghị, hội thảo do Bộ Xây dựng, VCCI tổ chức.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phần phát biểu tổng kết hội nghị đã nhấn mạnh: Các đề xuất của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cần được thực hiện đồng bộ, quyết liệt mới có hiệu quả.

Nguồn tin: Nguồn: baoxaydung.com.vn:

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây