Nhiều tàu bị chìm tại biển Quy Nhơn
Ông Nguyễn Văn Tài, 45 tuổi, quê Thanh Hóa, thuyền trưởng tàu Nam Khánh 26, trọng tải hơn 2.500 tấn, đang nằm điều trị tại BV Phong – Da liễu TW Quy Hòa, cho biết: "Trên tàu có 11 thuyền viên đang chở hàng từ TP Hải Phòng đến Cần Thơ. Sáng 3.11, tàu vào trú bão tại vùng biển Bình Định. Sau đó khi bão vào thì tàu gặp nạn tại khu vực phao số 0. Tôi cho tàu nổ máy để chống bão, nhưng máy chính bị sự cố không thể khắc phục được, khiến tàu tự trôi rồi chìm. Chúng tôi đã phát tín hiệu cứu hộ nhưng không nhận được sự hỗ trợ nên tôi ra lệnh các thuyền viên xuống phao cứu sinh để vào bờ. Hiện tại mới chỉ có 6 thuyền viên được cứu và đưa vào bệnh viện, 5 người còn lại chưa liên lạc được".
Lực lượng chức năng nỗ lực đưa tàu cá PY 99777 TS vào bờ |
Theo thông tin từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Quy Nhơn, chỉ riêng trong sáng 4.11 đơn vị đã tiếp nhận thông tin có nhiều tàu bị chìm. Cụ thể, khoảng 2h10 ngày 4.11, tàu BĐ 01407TS của ông Đỗ Cầu, 1958 (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn đang đánh bắt tại khu vực cảng Thị Nại thì tàu bị chìm, 4 lao động bơi được vào bờ, riêng ông Cầu mất tích. Tàu BĐ 17362TS của ông Ngô Văn Nam, xã Hoài Hương (Hoài Nhơn) làm chủ, khi đang neo đậu tại khu vực cảng cá Quy Nhơn thì bị đứt neo, trôi dạt ra khu vực biển Hải Minh (TP Quy Nhơn), chủ tàu không khắc phục sự cố chết máy, 1 thuyền viên trên tàu đã bị rơi xuống biển mất tích.
Nhiều cây xanh trên Quốc lộ 1D bị ngã đổ |
Theo bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Giám đốc BV Phong – Da liễu TW Quy Hòa: Hiện bệnh viên đã tiếp nhận và đang điều trị cho 36 thuyền viên của các tàu bị nạn trên biển Quy Nhơn được lực lượng chức năng cứu. Trong đó có tàu FEI YUE9 (quốc tịch Panama, có 15 người quốc tịch Trung Quốc và Myanmar). Hiện sức khỏe của các thuyền viên khá ổn định.
Mưa lớn khiến đất đá trên Quốc lộ 1D đổ tràn xuống mặt đường, khiến giao thông đi lại khó khăn |
Tại vùng biển Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) đến 12 giờ trưa ngày 4.11, mưa vẫn rất to, kèm theo gió mạnh, sóng biển dữ dội. Tàu hàng THANH HAI 18 bị sóng đánh dạt lên bờ biển mắc cạn. Trên tàu vẫn còn 1 số thuyền viên ở lại để bảo vệ tài sản.
Tàu hàng THANH HAI 18 bị sóng đánh dạt vô bờ biển Quy Hòa |
Dọc tuyến Quốc lộ 1D từ bến xe khách trung tâm TP Quy Nhơn đến Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) nhiều cây xanh ngã đổ ra đường, 1 số điểm bị sạt lở, đất đá trôi xuống mặt đường, khiến giao thông đi lại rất khó khăn.
Một tàu cá bị sóng đánh dạt vô bờ biển trước Bệnh viện Quân y 13 |
Theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, đến đầu giờ chiều 4.11, đã có 7 tàu hàng bị chìm trên vùng biển Quy Nhơn, trong đó có các tàu: Biển Bắc 16, Hoa Mai 68, Jupiter, Nam Khánh 26, Long Sơn 08, Hà Trung 98 (còn 1 tàu chưa xác định). Các lực lượng chức năng đã cứu được 68 thuyền viên, còn khoảng 15 người mất tích.
HỒNG PHÚC - LÊ CƯỜNG
* Đường sắt tê liệt, hơn 520 hành khách đi tàu mắc kẹt ở ga Diêu Trì
Chiều 4.11, ông Nguyễn Chính, Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh vận tải đường sắt Diêu Trì, cho biết: Do ảnh hưởng của cơn bão số 12, tuyến đường sắt đoạn từ Phú Yên đến Khánh Hòa bị tắc đường, không thể chạy tàu. Từ lúc 4 giờ 30 phút sáng nay, tại ga Diêu Trì đã có hơn 520 hành khánh đi trên 2 đoàn tàu SE5 và SE7 xuất phát từ ga Hà Nội vào ga Sài Gòn bị mắc kẹt lại ở đây. Toàn bộ hành khách đi trên 2 tàu này được ngành đường sắt lo ăn uống miễn phí trong thời gian chờ thông đường.
Cũng theo ông Chính, theo kế hoạch trong sáng cùng ngày, tại Ga Diêu Trì sẽ đón 2 tàu SE2 và SE4 xuất phát từ ga Sài Gòn về Ga Hà Nội và đoàn SQN4 xuất phát từ ga Sài Gòn về ga Quy Nhơn. Tuy nhiên, do bị tắc đường nên các tàu này hiện đang nằm tại ga Nha Trang. “Các hành khách đã lỡ mua vé đi trên 2 đoàn tàu SE2 và SE4 để ra các tỉnh phía bắc xuất phát tại ga Diêu Trì, nếu chờ thông đường được thì chờ, còn không có thể trả vé và ngành đường sắt sẽ không thu phí đối với các trường hợp này” ông Chính nói.
Xuân Vinh
Thông tin từ Khoa Khám bệnh, BVĐK tỉnh cho biết, trong sáng 4.11 có 4 bệnh nhân (là thuyền viên các tàu gặp nạn tại vùng biển Quy Nhơn trong cơn bão số 12) được chuyển vào cấp cứu. Tất cả trong số họ là người Việt Nam. Có 1 trường hợp chấn thương đầu, 1 người bị đau vùng ngực, 2 ca chấn thương cẳng chân và đầu gối. Hiện tất cả các bệnh nhân đều tỉnh táo, không nguy hiểm đến tính mạng.
LÊ CƯỜNG
Lũ ngập đường Hùng Vương đoạn gần ngã ba Long Vân
Mưa lớn kéo dài làm cho nước trên sông Hà Thanh dâng cao và tràn qua đường Hùng Vương đoạn gần ngã ba Long Vân gây ách tắc giao thông.
Người dân sống dọc tuyến đường Hùng Vương (đoạn gần ngã ba Long Vân) phải dùng sõng để di chuyển người và đồ đạc để chạy lũ. |
Theo ghi nhận của PV đến 12 giờ ngày 4.11, nước lũ đã tràn qua tuyến đường Hùng Vương từ 0,5 - 1m, người dân qua lại đoạn đường này phải dùng sõng hoặc xe Chiến Thắng. Nhiều cán bộ, công nhân viên của các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp làm việc tại Khu công nghiệp Phú Tài đành phải quay xe máy về nhà và tạm thời nghỉ việc.
NGUYỄN HÂN
* Tại TP Quy Nhơn, dàn đèn trang trí tại đầu đường Nguyễn Tất Thành nối dài (gần đường sắt) bị ngã đổ nằm bẹp, chắn ngang trên đường, cản trở giao thông, nhiều bảng quảng cáo trên Quảng trường Nguyễn Tất Thành bị ngã đổ. Trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học... cây gãy, đỗ, nhiều nhà dân tại khu phường Lê Lợi (gần chợ lớn mới) bị tốc mái. Phường Ngô Mây, nhiều khu vực bị cúp điện và cúp nước.
Dàn đèn trang trí đầu đường Nguyễn Tất Thành nối dài (TP Quy Nhơn). Ảnh Quốc Vũ |
Theo thông tin ban đầu, tại Trạm thu phí khu Nam Bình Định (thị xã An Nhơn) thì bảng quảng cáo cao 20 m ngã đè sập nhà dân, khiến 1 người bị thương.
Lúc 10 giờ 10 phút, các lực lượng chức năng đang cố gắng khắc phục hậu quả cây gãy đổ, trụ điện gãy và ngập nước cục bộ tại một số nơi. Dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành, nhiều cây lớn bị bật gốc, ngã đỗ. Nhiều bảng quảng cáo, pano tuyên truyền hư hỏng nặng.
Giàn giáo từ công trình Bệnh viện mở rộng (TP Quy Nhơn) ngã sập xuống đường, gây nguy hiểm cho người dân. |
Cây ngã đỗ làm gãy trụ điện, đè sập mái hiên nhà dân. |
NGUYỄN KIM
Ở TP Quy Nhơn, từ 2 giờ sáng ngày 4.11, gió bắt đầu giật mạnh từng hồi, cường độ gió sau đó được tăng thêm rồi duy trì liên tục đến hơn 7 giờ sáng mới có phần giảm bớt. Kèm theo đó, trời mưa liên tục từ đêm 3.11 đến trưa 4.11 vẫn chưa có dấu hiệu dứt. Từ khoảng 3 giờ sáng 4.11, một trạm biến áp bị nổ, khiến một số khu vực thuộc Phường Lê Lợi bị mất điện. Tình trạng mất điện còn xảy ra ở một số khu vực thuộc phường Lê Hồng Phong, Quang Trung...
Sáng 4.11, khi ra đường người ta dễ dàng thấy cảnh nhiều cây xanh ngã đổ hoặc cành, lá vương vãi trên hầu khắp tuyến đường ở TP Quy Nhơn, một số khu vực lá cây và rác làm nghẹt cống thoát nước, gây ngập cục bộ. Nhiều pano, bảng hiệu, hộp đèn bị gió thổi bay. Ngay sau khi cường độ gió có phần giảm bớt, công nhân của Công ty TNHH Môi trường đô thị và Công ty Cấp thoát nước Bình Định đã ra đường dọn dẹp rác, khơi thông cống rãnh để thoát nước mưa.
Tại khu vực Eo Nín thở lúc 9 giờ sáng 4.11, sóng biển vẫn còn khá mạnh, nước biển đục ngầu. Một số người dân hiếu kỳ bất chấp nguy hiểm ra xem sóng biển ngay sát mép.
Thông tin từ Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn cho biết, có 3 tàu hàng đang neo đậu ngoài phao số 0 bị chìm, hiện chưa rõ số thương vong. Cơ quan chức năng đang bàn phương án cứu hộ những nạn nhân gặp nạn.
LÊ CƯỜNG
Theo Trạm biên phòng Mũi Tấn (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh), tối 3.11, hai tàu cá PY 99777 TS do ông Võ Văn Lành (Tuy Hòa, Phú Yên) làm chủ tàu và tàu cá PY 92369 TS, do ông Võ Văn Sĩ (Tuy Hòa, Phú Yên) làm chủ tàu, vào Cảng cá Quy Nhơn trú bão. Nhưng đến 1 giờ sáng 4.11, hai tàu bị đứt neo và trôi dạt ra vùng biển Quy Nhơn, cách bờ khoảng 150 mét. Đến 4 giờ sáng cùng ngày thì tàu PY 92369 TS bị đánh chìm tại vùng biển trước Bệnh viện Quân y 13. Hiện các lực lượng của TP Quy Nhơn, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Cảnh sát PC và CC tỉnh đang cử lực lượng và phương tiện để kéo tàu cá PY 99777 TS tại khu vực biển gần Tượng đài Chiến thắng. Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã đến hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ.
Lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo khắc phục bão lũ |
HỒNG PHÚC
Lúc 10 giờ 50 phút sáng 4.11, bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Giám đốc BV Phong – Da liễu TW Quy Hòa, cho biết: có một tàu hàng bị sóng đánh dạt vào bờ biển gần khu vực Bệnh viện (thuộc phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn). Hiện BV Phong - Da liễu TW Quy Hòa đang cấp cứu cho 13 thuyền viên. Ngoài ra, còn có 9 thuyền viên, thủy thủ người nước ngoài đang được chuyển vào viện để cấp cứu.
Hồng Phúc - Lê Cường (thực hiện) |
LÊ CƯỜNG
* Huyện Tuy Phước, TX An Nhơn và TP Quy Nhơn
Tại thôn Quảng Tín, Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 1, xã Phước Lộc (Tuy Phước), PV Báo Bình Định ghi nhận có hàng loạt cây xanh nằm trên các tuyến đường liên thôn, xã bị bão số 12 quật ngã. Nhiều pa-nô, áp phích và nhiều tôn lợp của các cửa hàng bị gió cuốn phăng, gãy đổ. Nhiều mái tôn bị gió thổi bay ra mặt đường quốc lộ 1.
Pa-nô ở khu vực Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn) bị gió quật ngã. Ảnh: T.Lợi. |
Tại TX An Nhơn, 2 pa-nô lớn nằm cạnh cầu Tân An, khu vực Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa cũng bị gió “thổi” nằm ngã rạp dưới đất. Mỗi pa-nô có khối lượng hàng chục tấn. Rất may các pa-nô ngã ở cách khu vực nhà dân chừng 5m, nên không xảy ra thiệt hại về người và tài sản. Một số cây xanh ở khu vực Liêm Trực, phường Bình Định cũng bị ngã trơ gốc. Một vài trang trại chăn nuôi heo, gà của người dân ở địa phương cũng bị gió cuốn phăng.
Do ảnh hưởng của bão số 12, nhiều xã, thị trấn ở 2 huyện Tuy Phước và TX An Nhơn bị mất điện. “Chúng tôi đang cử công nhân đi rà soát, kiểm tra tình hình lưới điện ở địa bàn. Tuy vậy, do sức gió của cơn bão số 12 đổ bộ vào đất liền rất mạnh nên đã làm một vài cột điện của đường dây hạ thế bị gãy. Đến 9 giờ 30 phút ngày 4.11, ngoại trừ một số thôn ở xã Phước Quang có điện do nơi này sử dụng lưới điện thuộc quản lý của Điện lực TX An Nhơn, các địa phương còn lại trên địa bàn thì mất điện hoàn toàn”, ông Trần An Khương, Giám đốc Điện lực Tuy Phước, cho biết.
Đến 9 giờ 43 phút ngày 4.11, PV ghi nhận trên địa bàn huyện Tuy Phước và TX An Nhơn gió giật rất mạnh, kèm theo mưa lớn. Còn tại TP Quy Nhơn, do mưa lớn diễn ra suốt đêm đã làm các tuyến đường Hùng Vương đoạn qua ngã 3 ông Thọ, đường Trần Hưng Đạo đoạn từ ngã 5 Đống Đa đến Cầu Đôi (phường Đống Đa) bị ngập sâu, có nơi gần 0,5 m khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
TRỌNG LỢI
* Thiệt hại do mưa bão ở Hoài Nhơn
Theo số liệu thống kê của Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Hoài Nhơn, đến 8h sáng 4.11, do ảnh hưởng bão số 12 kết hợp với mưa lớn, trên địa bàn huyện đã có 2 nhà bị sập, 2 nhà tốc mái, ngã đổ 3 cột điện đường dây 0,2KV và nhiều cây xanh.
Ngoài ra, có 3 tàu thuyền của ngư dân Đỗ Ngọc Điểm, Trần Anh Kiệt cùng ở Hoài Hương, Võ Văn Dũng ở Tam Quan Nam bị chìm, tàu của ông Võ Minh Vương ở xã Hoài Hương bị hỏng máy cách bờ biển Quy Nhơn khoảng 34 hải lý, trên tàu có 2 thuyền viên.
ÁNH NGUYỆT
* TP Quy Nhơn thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 12
Trưa 4.11, tin từ phòng Kinh tế TP Quy Nhơn, cho biết: Cơn bão số 12 đã gây thiệt hại nặng cho nhiều địa phương trên địa bàn thành phố. Cụ thể, ở thời điểm này, toàn thành phố đã có 4 người mất tích trên biển, trong đó, có 2 người ở phường Hải Cảng, 1 người ở KV5, phường Nhơn Bình và 1 người ở xã Mỹ Lộc (Phù Mỹ). Nguyên nhân mất tích do bị sóng đánh chìm trong quá trình đi kiểm tra bè nuôi tôm ở vùng biển thuộc phường Hải Cảng vào lúc 4 giờ sáng cùng ngày. Bên cạnh đó, hiện còn 4 người ở KV1, phường Ghềnh Ráng đang bị mắc kẹt tại khu vực Hòn Đất trong lúc đi kiểm tra bè nuôi tôm hùm. Hiện nay, chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm cách đưa vào bờ. Ngoài ra trên địa bàn thành phố đã có 5 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 28 nhà bị tốc mái.
Tàu vỏ thép mang số hiệu SH PY 92369-TS của Phú Yên bị đứt dây neo trôi dạt trên vùng biển Quy Nhơn. Ảnh: Trọng Lợi. |
Đáng chú ý, lúc 10 giờ 30 phút ngày 4.11, PV nhận thông tin ở TP Quy Nhơn hiện có 11 tàu cá bị sóng đánh chìm, trong đó, có 9 chiếc ở phường Hải Cảng và 2 chiếc ở xã Nhơn Hải. Ngoài ra, còn 1 tàu sắt mang số hiệu của tỉnh Phú Yên bị đứt dây neo trôi dạt vào vùng biển ở đường Xuân Diệu và 1 tàu sắt khác đang chở hàng khác cũng bị trôi dạt, mắc kẹt tại Bãi Dại, phường Ghềnh Ráng. 5 bè nuôi tôm, mực ở xã đảo Nhơn Châu và xã Nhơn Hải cũng bị sóng đánh vỡ hoàn toàn; 5 bè nuôi tôm hùm khác ở xã Nhơn Hải đã bị sóng cuốn trôi.
TRỌNG LỢI
* Sáng 4.11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình ứng phó với bão số 12 tại khu vực cảng Đề Gi (Phù Cát). Theo chính quyền địa phương, nhờ chủ động các biện pháp ứng phó, neo đậu, chằng chống kỹ lưỡng nên 150 tàu cá neo đậu tại cảng không bị thiệt hại.
Hàng loạt cây chà là Ả Rập mới trồng trên QL1D bị bật gốc, ngã đổ |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã yêu cầu chính quyền địa phương phối hợp ngành Nông nghiệp, Đồn Biên phòng Đề Gi tập trung hướng dẫn ngư dân theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa bão để có biện pháp bảo vệ an toàn phương tiện tàu thuyền; tiếp tục thực hiện lệnh cấm biển không để ngư dân ra khơi trong điều kiện bão lũ đang còn diễn biến phức tạp.
Tin, ảnh NGUYỄN HÂN
* Lực lượng CSGT tỉnh ứng phó với bão lũ
Do ảnh hưởng của cơn bão số 12, một số đoạn trên tuyến trên QL1A qua địa bàn tỉnh Bình Định nhiều điểm bị ngập nước và cây cối bị ngã đổ ra đường gây ách tắc giao thông, nhất là đoạn từ ngã 3 Phú Tài đến chân Đèo Cù Mông. Ngay từ sáng sớm ngày 4.11, mặc dù còn gió to, mưa lớn nhưng CBCS Trạm Cảnh sát giao thông Tuy Phước, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh đã triển khai lực lượng tuần lưu và cùng với nhân dân dọn dẹp chặt cây, cắt tỉa cành, nhánh tại các điểm thuộc km1235, 1240 đảm bảo giao thông thông suốt trên tuyến.
CSGT Công an tỉnh cùng với nhân dân dọn dẹp cây ngã |
Tại khu vực Hầm Dầu, thuộc phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn nước bị ngập, các phương tiện giao thông không thể qua lại, lực lượng CSGT đã phân tuyến cho đi vào đường nội bộ Khu công nghiệp Phú Tài. Trung tá Nguyễn Trần Xuân Vương, Trạm trưởng cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục ứng trực 100% quân số, thực hiện tuần lưu trên toàn tuyến quốc lộ 1A, kịp thời phát hiện các sự cố sạt lở, cây ngã để khắc phục, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện qua lại.
TẤN TÀI
* Tình hình bão số 12 tại Vĩnh Thạnh
Từ đêm qua đến rạng sáng nay (4.11) trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh có mưa lớn kết hợp gió giật mạnh. Từ khoảng 2 giờ đến 3 giờ sáng, tại huyện Vĩnh Thạnh có mưa rất to, gió giật liên tục, toàn bộ hệ thống điện cúp.
Hồ Định Bình điều tiết nước qua tràn với lưu lượng 380m3/s lúc 11h sáng ngày 4.11 |
Để chuẩn bị công tác ứng phó với cơn bão số 12, trong chiều tối ngày 3 và sáng ngày 4.11, lãnh đạo huyện Vĩnh đã kiểm tra công tác triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, cơn bão số 12 tại các địa phương và các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện.
Theo thống kê sơ bộ, đến 10h sáng ngày 4.10, nhiều diện tích lúa và hoa màu bị ngã đổ, đã có 9 nhà dân bị tốc mái, ước thiệt hại trên 300 triệu đồng. Hệ thống điện các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim bị cây ngã đổ gây mất điện hoàn toàn.
Tại khu vực thượng lưu hồ thủy lợi Định Bình, trong tối ngày 3 và sáng ngày 4.11 có mưa rất to, lượng mưa đo được trên 120mm. Lượng nước vào hồ lúc 10h sáng xấp xỉ 1.000m3/s, mực nước hồ đạt cao trình 80,3m, dung tích hồ đạt trên 100 triệu mét khối. Hiện Ban quản lý hồ đã cho xả tràn với lưu lượng 380m3/s.
Hiện nay các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đang trực tiếp bám địa bàn để theo dõi và nắm tình hình, sẵn sàng ứng phó hỗ trợ người dân.15
XUÂN DŨNG
* Hơn 1.000 cây xanh bị ngã đổ do bão số 12
(BĐ) - Ông Đỗ Đình Phương, Giám đốc Công ty CP Cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn, cho biết: Thống kê bước đầu có khoảng 1.000 cây xanh trên các tuyến đường: Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Thái Học, Hai Bà Trưng, Hoàng Văn Thụ, Lê Xuân Trữ, Xuân Diệu, các tuyến đường ở khu vực xóm Tiêu… đã bị bão số 12 quật ngã; trong đó có 200 canh xanh cổ thụ (10 đến 20 năm tuổi). Công ty đã huy động 4 đội cây xanh, cùng với công nhân của các đội khác hỗ trợ, với 450 công nhân trực suốt đêm để xử lý số cây xanh bị ngã đổ, trong đó tập trung xử lý những tuyến đường cây xanh ngã đổ gây ánh tắc giao thông, ngã đè lên nhà dân, cơ quan và đường dây điện.
Cây xanh trên đường Thành Thái (khu vực xóm Tiêu) bị bão quật ngã. Ảnh: N.PHÚC |
Theo ông Phương, trong ngày hôm nay (4.11), Công ty sẽ huy động thêm công nhân và phương tiện xử lý hết số cây xanh bị ngã đổ.
|
Xử lý cây xanh bị ngã đổ vào Bưu điện tỉnh trên đường Hai Bà Trưng. Ảnh: N.PHÚC |
Xử lý cây xanh bị đổ đè lên đường dây điện trên đường Xuân Diệu. Ảnh: N.PHÚC |
Công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn, khơi thông các hố ga để hạn chế ngập úng do mưa lớn. Ảnh: N.PHÚC |
Cây xà cừ trên đường Nguyễn Tất Thành bị bão làm bật gốc. Ảnh: N.PHÚC |
Ông Nguyễn Nên Danh, Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn, cho biết: Trong sáng 4.11, Công ty đã huy động 150 công nhân tiến hành xử lý các hố ga để tiêu thoát nước, không để gây ngập úng do mưa lớn. Trong chiều 4.11, Công ty sẽ huy động 600 công nhân cùng phương tiện để tổng vệ sinh thành phố, chủ yếu dọn lá cây do bão số 12 gây ra.
Cổng chào trang trí nằm trên đường Nguyễn Tất Thành (đoạn gần ngã ba Trần Hưng Đạo) bị ngã đổ. Ảnh: Văn Lưu |
NGUYỄN PHÚC
Lúc 11 giờ 45 phút, tại ngã ba Long Vân, 1 xe ô tô 4 chỗ bị chết máy; lúc 12 giờ 15 phút, 1 xe tải 1,5 tấn tiếp tục bị chết máy khi cố gắng chạy vượt lũ. Do mưa ngày càng lớn, nước ngập cao, các xe khác vẫn chạy qua, tạo thành những đợt sóng dẫn đến hiện tượng 2 xe ô tô trôi tự do. Các tài xế khẩn cấp liên hệ lực lượng chức năng cứu hộ.
2 xe ô tô trôi tự do |
Tác giả bài viết: HT (ST)
Nguồn tin: Báo Bình Định ngày 04/11/2017:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn