Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ nhiệt điện là yêu cầu cấp thiết

Thứ bảy - 07/10/2017 15:37
Sáng 3/10, tại TP. Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”. Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Bùi Phạm Khánh, chủ trì hội thảo
Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ nhiệt điện là yêu cầu cấp thiết

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, các chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện các doanh nghiệp sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựngđã trình bày các báo cáo nghiên cứu, các kinh nghiệm xử lý tro xỉ làm vật liệu xây dựng cũng như các văn bản, quy định mới về việc xử lý tro xỉ, thạch cao tại các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất…

Các báo cáo trình bày tại hội thảo cho biết, ở Việt Nam hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm, thải ra hàng năm hơn 16 triệu tấn tro xỉ, thạch cao và tổng diện tích các bãi thải xỉ khoảng hơn 700 ha. Dự kiến tới năm 2020 có thêm 12 dự án nhiệt điện than đi vào hoạt động (đang trong quá trình xây dựng) và tổng công suất lắp đặt nhiệt điện than là 24.370 MW, tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than. Tổng lượng tro bay, xỉ đáy lò phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện đến năm 2020 ước khoảng 22,6 triệu tấn/năm.

Theo Vụ Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng, cả nước có 21 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động và sử dụng một trong hai loại công nghệ đốt là đốt than phun PC và công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn CFB. Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/03/2016, dự kiến đến năm 2030, cả nước có 57 nhà máy nhiệt điện hoạt động.

Theo điều tra tính toán đến cuối năm 2017, lượng tro xỉ, thạch cao tồn chứa trên cả nước khoảng 40 triệu tấn và hàng năm thải ra trên 15 triệu tấn. Trường hợp các nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo quy hoạch và lượng tro xỉ thải ra không được xử lý thì đến năm 2018 là 61 triệu tấn; đến năm 2020 là 109 triệu tấn, đến năm 2025 là 248 triệu tấn và đến năm 2030 là 422 triệu tấn.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 3 cụm nhiệt điện sử dụng công nghệ đốt than phun PC bao gồm Nhiệt điện Duyên Hải I, Duyên Hải III vận hành từ năm 2016 đến đầu 2017 với tổng công suất phát điện là 1.445 MW, mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn tro xỉ.

Dự kiến đến năm 2020 sẽ có thêm các nhà máy nhiệt điện Long Phú I, Long Phú II, Sông Hậu I, Sông Hậu II, Duyên Hải III mở rộng hoạt động, nâng tổng công suất phát điện lên 5.505 MW; mỗi năm tiêu thụ khoảng 16,52 triệu tấn than và thải ra khoảng 4,13 triệu tấn tro xỉ, thạch cao. Từ sau năm 2020 đến năm 2030 sẽ có thêm 9 nhà máy nhiệt điện trong vùng hoạt động, nâng công suất phát điện lên 18.225 MW, mỗi năm tiêu thụ khoảng 54,68 triệu tấn than và thải ra khoảng 13,67 triệu tấn tro xỉ, thạch cao.

Lượng tro xỉ, thạch cao sẽ tạo ra thách thức khi phải sử dụng diện tích đất khổng lồ để làm bãi chứa và nhiều áp lực môi trường khác, nguy cơ các nhà máy phải dừng sản xuất do không có đủ bãi chứa.

Để giải quyết bức xúc gây ô nhiễm môi trường của các nhà máy nhiệt điện và phân bón hóa chất, Bộ Xây dựng tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1696 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và qua 2 năm triển khai thực hiện Quyết định 1696 đã đạt được kết quả nhất định.

 


Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Trong bối cảnh của nước ta, khi việc khai thác tiềm năng các loại năng lượng khác phục vụ sản xuất điện như thủy điện, điện khí… đã đạt tới hạn, trong khi việc phát triển điện hạt nhân tạm dừng, các loại năng lượng tái tạo khác (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) chi phí đầu tư lớn và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu điện ổn định phục vụ sản xuất và tiêu dùng với chi phí hợp lý thì việc phát triển nhiệt điện than cần được quan tâm đúng mức.

Tuy vậy, việc phát triển nhiệt điện than phải gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Vấn đề tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện đốt than thời gian qua đang là thách thức đối với việc phát triển bền vững nhiệt điện than do thiếu các cơ chế, chính sách, các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp và cần phải khẳng định rõ ràng là tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than không phải là chất thải nguy hại. Việc tổ chức hội thảo khoa học nhằm thảo luận, trao đổi và đưa ra các giải pháp căn cơ để xử lý vấn đề tro, xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện than tại khu vực ĐBSCL theo đúng chỉ đạo của Chính phủ”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết tại Hội thảo: “Trong thời gian qua, trước thực trạng phát thải một lượng lớn tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, luyện kim, phân bón hóa chất, Chính phủ đã giao nhiệm cho Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn sử dụng tro, xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, luyện kim, phân bón hóa chất làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng vào các công trình xây dựng; sử dụng tro, xỉ sản xuất vật liệu xây không nungthay thế gạch đất sét nung.

Lượng tro, xỉ thải ra này sẽ là thách thức rất lớn đối với môi trường cũng như sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và của địa phương nơi có nhà máy nhiệt điện nói riêng, nguy cơ các nhà máy không có đủ bãi chứa tro, xỉ tác động xấu đến môi trường sống. Do đó, việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng một lượng lớn tro, xỉ, thạch cao là yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với Chính phủ, cũng như các Bộ, ngành, các địa phương nơi có nhà máy điện than, đặc biệt đối các doanh nghiệp sản xuất điện than”.

Theo tính toán của Tiến sĩ Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, lượng tro xỉ, thạch cao sử dụng để làm xi măng, san lấp, làm đường giao thông chống sạt lở… sẽ giúp tiêu thụ được 30% tổng lượng tro xỉ. Bên cạnh đó, dùng tro xỉ thay cho đất sét, làm nguyên liệu sản xuất gạch nung sẽ giúp tiêu thụ khoảng 15% tổng lượng tro xỉ…Vấn đề cần làm nhanh hiện nay là nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật được ban hành trong năm nay và chậm nhất là trong năm 2018 sẽ có đầy đủ bộ công cụ kỹ thuật để xử lý các vấn đề tro xỉ, thạch cao.

Hiện nay, một số loại vật liệu được sản xuất từ tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện đang được nghiên cứu hoặc ứng dụng tại Việt Nam gồm: sử dụng tro tuyển làm phụ gia bê tông; tro, xỉ làm phụ gia xi măng; làm vật liệu gia cố nền; vật liệu san lấp; làm gạch không nung, gạch bê tông nhẹ, gạch bê tông chưng áp... Việc sử dụng vật liệu xây dựng thay thế trong đầu tư xây dựng tại khu vực ĐBSCL là tập trung phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng từ tro, xỉ đối với vật liệu xây không nung và vật liệu san lấp, gia cố nền trong xây dựng giao thông.

Xuất phát từ thực tế hiện nay các công trình giao thông, công trình đường bộ tại khu vực ĐBSCL đã phải nhập cát với giá rất cao; công tác sản xuất xi măng mặc dù được đầu tư rất tốt nhưng chi phí cho chất liên kết này còn cao. Thêm vào đó, có rất nhiều khu vực có địa chất rất yếu, đặc biệt là các tuyến đi qua khu vực đồng bằng ngập nước, các khu vực hồ ao. Khi đó chi phí cho việc xử lý, gia cố nền đất bằng các chất liên kết vô cơ cũng vô cùng tốn kém.

Nhu cầu về vật liệu thay thế cho vật liệu tự nhiên (khi đắp nền) hoặc thay thế một phần chất liên kết vô cơ (khi gia cố nền đường) là vô cùng cần thiết đối với ngành xây dựng đường bộ phục vụ giao thông. Điều đó mở ra một thị trường mới cho tro xỉ, với các hình thức sử dụng phong phú và chắc chắn là khối lượng tiêu thụ rất lớn.

Tác giả bài viết: Hữu Thiện (ST)

Nguồn tin: Bộ Xây dựng

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây