Lựa chọn công nghệ tiên tiến xử lý chất thải rắn: Giải pháp tối ưu

Thứ bảy - 16/09/2017 05:46
Xử lý chất thải rắn bằng biện pháp chôn lấp gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Vì vậy, lựa chọn các công nghệ xử lý tiên tiến được coi là giải pháp tối ưu để xử lý chất thải rắn trong bối cảnh hiện nay.
Dây chuyền xử lý chất thải rắn tại Nhà máy Xử lý chất thải Sơn Tây (Hà Nội). Ảnh: Phương Dung
Dây chuyền xử lý chất thải rắn tại Nhà máy Xử lý chất thải Sơn Tây (Hà Nội). Ảnh: Phương Dung

Ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến

Trước nhu cầu cấp bách về xử lý chất thải rắn, TP Hà Nội đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ vào tái chế chất thải; biến chất thải thành vật liệu có ích. Hiện có nhiều doanh nghiệp tư nhân đồng hành cùng thành phố, áp dụng các mô hình xử lý chất thải rắn hiệu quả, hạn chế tác động đến môi trường. Ông Nguyễn Phúc Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long (ENSERCO) cho biết, công ty vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng sáng chế cho "Quy trình công nghệ, hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt tiêu hủy có thu hồi nhiệt".

Theo ông Nguyễn Phúc Thành, quy trình công nghệ này giúp giảm chi phí xử lý rác khi sử dụng ít nhiên liệu phụ trợ hơn, nhờ biện pháp loại bỏ các thành phần rác không cháy; ủ và sấy để giảm độ ẩm của rác trước khi đốt. Đặc biệt, quy trình đốt rác sẽ tận dụng nhiệt năng từ khí thải lò đốt để sấy rác và sấy nóng không khí cung cấp cho lò đốt. Trong quá trình phân loại và sấy rác, các kỹ sư sử dụng thiết bị thu gom khí đưa vào lò đốt, để giảm phát thải mùi hôi ra môi trường. Quan trọng hơn là toàn bộ khâu từ thu gom, vận chuyển và xử lý được tập trung về một đầu mối. Hiện tại, Nhà máy xử lý chất thải tại Sơn Tây của ENSERCO đang phát huy hiệu quả, với công suất xử lý 700 tấn rác/ngày.

Không chỉ có ENSERCO, Công ty cổ phần Xử lý chất thải xây dựng và Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội cũng đang triển khai dự án đầu tư ứng dụng công nghệ nghiền phế thải xây dựng thành vật liệu xây dựng. Theo ông Đặng Tiến Thành - Giám đốc Công ty, ước tính mỗi ngày, khối lượng phế thải xây dựng phát sinh trên địa bàn thành phố lên tới 3.000 tấn, chủ yếu được xử lý bằng biện pháp chôn lấp hoặc dùng san lấp khu vực trũng, gây tốn kém, chiếm dụng đất, ô nhiễm môi trường. Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, công ty đã phối hợp với đối tác Cộng hòa Liên bang Đức, nhập dây chuyền nghiền phế thải xây dựng theo công nghệ mới, lần đầu tiên ứng dụng tại Hà Nội. Phế thải xây dựng sau khi xử lý có thể tái sử dụng làm vật liệu cho công trình hạ tầng giao thông.


Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, sau khi thành phố ban hành thông báo về 10 tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xử lý rác thải trên địa bàn, đến nay, đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký, đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực tài chính, kinh nghiệm trong xử lý rác thải, có hồ sơ thiết kế công nghệ đốt, phát điện tiên tiến, hiệu quả, đã nghiên cứu kỹ về tính chất rác thải tại Hà Nội...

Xử lý chất thải triệt để, thân thiện môi trường

 


Mặc dù đã ứng dụng nhiều công nghệ trong xử lý chất thải rắn, nhưng hiện nay về cơ bản Hà Nội vẫn phải xử lý chất thải bằng hình thức chôn lấp. Theo thống kê của Sở Xây dựng, mỗi ngày Hà Nội phát sinh khoảng 6.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt; và khoảng 95% trong số đó được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Biện pháp này đơn giản nhưng tốn kém tài nguyên đất, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước ngầm.

 

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) Nguyễn Hữu Tiến cho biết, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (Sóc Sơn) dù đã được đầu tư nhà máy xử lý nước rác, được đánh giá đạt Quy chuẩn QCVN 5945-2005, song cũng không thể giải quyết triệt để tác động tới môi trường. TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận xét, tồn tại lớn nhất của công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta là chưa áp dụng được phương thức tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải, nhằm hướng tới giảm khối lượng chôn lấp.

Tại hội thảo “Sổ tay hướng dẫn phát triển dự án phát điện nối lưới từ chất thải rắn tại Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức cuối tháng 8-2017, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, rác thải là nguồn tài nguyên đang bị lãng phí mà Việt Nam chưa tận dụng hết cho sản xuất năng lượng... Đồng quan điểm, ông Trương Việt Anh, Công ty Fecom nêu: Trong khi mỗi ngày Hà Nội có lượng lớn rác được chở đi chôn lấp thì nhiều nhà đầu tư lại không thể tìm được nguồn rác ổn định để phát triển các dự án năng lượng.

Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, TP Hà Nội đang tiến hành nhiều biện pháp với mục tiêu đến năm 2025, tất cả các loại rác thải phát sinh đều được thu gom, tái chế và xử lý triệt để bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường. Hà Nội cũng tập trung triển khai đồng bộ quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2018, tiếp tục lựa chọn công nghệ chôn lấp và xử lý rác thải hợp vệ sinh, nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt phát điện. Giai đoạn 2018-2020, lựa chọn tái chế, thu hồi rác thải là công nghệ chủ đạo, đốt một phần, hoặc đốt có thu hồi năng lượng; kết hợp với chôn lấp tại chỗ (khu vực ngoại thành), hoặc trung chuyển đến các bãi chôn lấp tập trung của thành phố, hướng tới mô hình xử lý rác thải 3R (giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế) hoàn chỉnh cho Hà Nội…

Tại phiên giải trình trước HĐND thành phố về thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải y tế và quản lý hồ nước khu vực nội thành ngày 12-9 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đã giao các đơn vị tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải; xử lý triệt để tình trạng đổ trộm phế thải; đồng thời kêu gọi nhân dân tự giác chấp hành nội quy nơi công cộng, không xả rác bừa bãi

Tác giả bài viết: HT (ST)

Nguồn tin: Theo Hà Nội mới

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây