1. Tình hình thực hiện:
Sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/2014/CT-UBND ngày 17/12/2014 của UBND tỉnh về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh (2014 – 2017), Theo đánh giá của Sở Xây dựng, trong khi năng lực sản xuất gạch không nung trên địa bàn tỉnh đạt khá cao, khoảng 7 đơn vị, với công suất thiết kế là 91.276.000 triện viên/năm thì việc tiêu thụ và sử dụng gạch không nung lại lại chưa đạt hiệu quả cao, chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà sản xuất vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Khả năng tiêu thụ VLXKN trên địa bàn tỉnh hiện nay tương đối thấp có một phần nguyên nhân chủ yếu do tình trạng khó khăn về vốn đầu tư công, làm ảnh hưởng đến chương trình sử dụng VLXKN trong các công trình có sử dụng vốn từ nguồn ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, người dân và các nhà đầu tư vẫn còn thói quen sử dụng gạch nung đã có tư lâu đời, có tâm lý e ngại vào chất lượng của sản phẩm gạch không nung do các đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh hiện nay.
2. Thuận lợi và khó khăn khi sử dụng VLXKN cho công trình:
Thuận lợi:
Hiên nay, nhà nước và UBND tỉnh Bình Định đã ban hành các chính sách để hỗ trợ phát triển VLXKN thông qua các văn bản, Quyết định như: Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng của Bộ Xây dựng; Quyết định số 48/2013/QĐ-UBND ngày 25/12/2013 của UBND tỉnh Quy định về chính sách và lộ trình xóa bỏ lò gạch, ngói bằng đất sét nung thủ công trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 02/2014/CT-UBND ngày 17/12/2014 của UBND tỉnh về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh…
Từ các chính sách, hỗ trợ trong lĩnh vực phát triển VLXKN được nêu trên, các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất VLXKN trong thời gian tới có thể đặt niềm tin về sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước để phát triển trong lĩnh vực VLXKN trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Khó khăn:
Các đơn vị tư vấn thiết kế vẫn quen dùng thông số kỹ thuật của gạch nung, do đó, khi đưa vật liệu không nung vào các công trình còn tâm lý e ngại phải thay đổi thiết kế. Ngoài ra, thuyết phục chủ đầu tư lựa chọn sản phẩm mới này cũng là một rào cản đối với các đơn vị tư vấn.
Ngoài ra, chất lượng sản phẩm gạch không nung (cường độ nén, uốn, độ thấm hút nước…) chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng. Trong Quý I/2017, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng các ngành có liên quan thực hiện công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng sản phẩm các đơn vị sản xuất VLXKN trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo về chất lượng của sản phẩm VLXKN trước khi lưu hành trên thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm VLXKN hiện nay.
Đối với thi công: Do VLXKN có khối lượng tương đối năng hơn gạch nung truyền thống, do đó, đòi hỏi kỹ năng xây tô, lắp đặt khác với truyền thống, nên nhà thầu và công nhân xây dựng gặp không ít khó khăn khi thi công, sự cố kỹ thuật.
3. Giải pháp phát triển gạch xây không nung
Hiện nay, việc đầu tư, phát triển vật liệu xây không nung đang gặp một số khó khăn, thách thức, do đó, cần thiết phải có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả, phù hợp theo các quy định hiện hành. Cụ thể, trong thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục thực hiện một số nội dung như:
a) Chủ trì, phối hợp các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục thực hiện nghiêm việc sử dụng VLXKN trong công trình, thông qua công tác thẩm định các hồ sơ thiết kế dự án của các công trình xây dựng.
b) Sở Xây dựng là đơn vị đầu mối, phối hợp cùng các tổ chức có liên quan trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, xây dựng các chính sách về phát triển VLXKN, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư hoàn thiện công nghệ sản xuất gạch xây không nung, nghiên cứu sử dụng tất cả các nguồn phế thải công nghiệp như tro xỉ, mạt đá…
c) Khuyến khích các đơn vị sản xuất VLXKN nâng cao năng lực cơ khí để có thể chủ động trong khâu sản xuất, sữa chửa và lắp ráp các thiết bị sản xuất VLXKN, phục vụ cho các nhà đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh.
d) Tiếp tục phối hợp cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố Quy Nhơn, tổ chức tốt công tác tuyên truyền thông tin để cho các nhà đầu tư, các tổ chức, đơn vị kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng nhận thức rõ những ưu điểm, lợi thế trong việc sản xuất, sử dụng gạch xây không nung. Qua đó, đánh giá tác động tiêu cực của việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, tập trung mọi nguồn lực để phát triển và sử dụng gạch xây không nung, góp phần phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh được bền vững.
Nguồn: Website Sở Xây dựng Bình Định
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn