Nhà ở công nhân: tiếp tục chờ đợi

Thứ tư - 02/11/2011 23:24
TTCT - Vào năm 2015, cả nước sẽ có hơn 2,6 triệu công nhân cần nơi ở, tức cần khoảng 21,2 triệu m2 nhà. Hiện chỉ 20% công nhân có chỗ ở ổn định. Những ông chủ xí nghiệp và các nhà hoạch định chính sách nói gì về việc giải quyết nỗi khó khăn không hề mới này?
Nhà ở công nhân: tiếp tục chờ đợi

 

Nhà ở công nhân: tiếp tục chờ đợi

Một khu trọ của công nhân nằm chìm cả mét dưới đất ở Q.2, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

“80% công nhân (CN) phải thuê nhà do người dân tự xây dựng, hầu hết đều rất chật chội. Thu nhập của CN chỉ từ 1,5-2 triệu đồng/tháng nhưng phải mất khoảng 60% chi phí cho ăn uống, 40% còn lại dành cho tiền thuê nhà trọ và các chi phí”. Bộ trưởng Bộ Xây dựng, phó trưởng Ban chỉ đạo trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản Trịnh Đình Dũng nhận định như thế tại hội thảo “Nhà ở CN - thực trạng và giải pháp” tại Bình Dương vừa qua.

Mục tiêu và hiện thực

Theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 174 KCN đang hoạt động với 1,6 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp. Dự kiến đến năm 2015 có thêm 115 KCN mới, tổng số công nhân lao động sẽ lên tới 3,6 triệu người và khoảng 2,65 triệu trong số đó cần chỗ ở, tức cần khoảng 21,2 triệu m2 nhà ở; năm 2020 là 4,2 triệu công nhân, cần khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở.

Tổng liên đoàn Lao động VN cho biết sau hai năm thực hiện phát triển nhà ở cho công nhân lao động, KCN các địa phương đã đăng ký 110 dự án xây nhà ở cho khoảng 960.000 người, trong đó 25 dự án được khởi công, chín dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các dự án này chủ yếu đầu tư bằng ngân sách nhà nước.

Đó là thực tế không mới từng được những người tiền nhiệm của ông đề cập. Trong chuyện rời bỏ công việc để về quê sinh sống của nhiều CN, một trong những lý do quan trọng là họ đã nhiều năm không thể có được một nơi ở tử tế để yên tâm làm việc.

Báo cáo của các địa phương cho biết khoảng 70% CN trong các khu công nghiệp (KCN) là lao động ngoại tỉnh, có nhu cầu về chỗ ở và đang “gặp rất nhiều khó khăn” trong chuyện tìm nơi ở. Còn Ban chính sách - pháp luật Tổng liên đoàn Lao động VN mô tả khó khăn này như sau: “Chỗ ở tạm bợ, không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của CN. Nhiều CN đến tuổi xây dựng gia đình khi sinh con phải bỏ việc vì quanh KCN không có nhà trẻ, mẫu giáo để gửi con. Tình trạng nhảy việc do thu nhập thấp và không ổn định về chỗ ở dẫn đến các doanh nghiệp thiếu lao động”.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận một thực tế về chuyện xây nhà cho CN: “Sau hai năm triển khai, cả nước có 27 dự án được khởi công với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỉ đồng, giải quyết chỗ ở cho khoảng 140.000 lao động, song chỉ mới có một dự án được ký hợp đồng tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Việc xây dựng nhà ở cho CN chưa đạt mục tiêu đề ra”.

Thực tế mà chính những người có trách nhiệm phản ảnh khiến ông Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, thắc mắc: “Đã nhiều năm rồi chúng ta vẫn chưa xã hội hóa được nhà ở cho CN như mong muốn, khuôn khổ pháp lý hiện hành có khiếm khuyết gì mà vẫn chưa đi vào cuộc sống?”. Ông Liêm thể hiện sự sốt ruột: “Nhà ở tự phát cho CN rất kém, chật chội, ẩm thấp, CN chỉ xem đó là nơi ở tạm bợ qua ngày. Phần lớn CN ở trọ như vậy nhưng các nhà làm chính sách lại không quan tâm cải thiện, mà chỉ muốn làm một cuộc cách mạng về nhà ở, đưa CN vào trong những khu chung cư nhiều tầng”.

Nhà ở công nhân: tiếp tục chờ đợi

Một dãy phòng trọ của công nhân nằm sâu trong con hẻm chỉ vừa đủ một người đi ở Q.2, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Giải mã khó khăn

“Hà Nội đã ban hành quyết định khuyến khích xây dựng nhà ở cho CN, dịch ra cả tiếng Anh, nhưng kết quả rất hạn chế. Một số doanh nghiệp có hỗ trợ tiền thuê nhà cho CN song nhìn chung vẫn chỉ là dựa vào sự hảo tâm, chưa có chế tài.

Hiện nay doanh nghiệp chưa được phép tính chi phí tiền nhà trong cơ cấu hình thành giá khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng chưa có chế tài nào bắt chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm về nơi ở cho người lao động của mình” - ông Nguyễn Quốc Tuấn, phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, nói về những trở ngại trong việc giải quyết vấn đề nhà ở CN ở thủ đô.

Còn phó giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Nguyễn Thanh Lâm cho biết việc xây dựng nhà ở CN tại các KCN tập trung của tỉnh mình “nhìn chung còn manh mún, không hoàn chỉnh, tạm bợ, hệ thống hạ tầng yếu” là do các nhà đầu tư rất ngần ngại xây dựng nhà cho CN vì không hấp dẫn về lợi nhuận.

Ông Lưu Đức Hải, phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng việc thiếu nhà ở CN là “điều tất yếu và sẽ tiếp tục diễn ra ở các KCN”. Điều này là hệ quả của một quy trình quy hoạch KCN chưa hợp lý, thường được lập tách rời hai công đoạn: quy hoạch khu vực các nhà máy xí nghiệp được làm trước (gọi là quy hoạch KCN), quy hoạch nhà ở hoặc khu dân cư phục vụ KCN được lập riêng, song song hoặc sau khi KCN hình thành.

Sự tách rời giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa khiến các khu dân cư bên cạnh KCN thường không được thiết kế đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để tiếp nhận số lượng lớn lao động và rơi vào tình trạng quá tải.

Còn đại diện Tổng liên đoàn Lao động VN Vũ Hồng Quang, phó Ban chính sách - pháp luật, đánh giá vướng mắc trong triển khai thực hiện chính sách nhà ở cho CN KCN là do trong quá trình phát triển xây dựng KCN, chủ đầu tư và cơ quan thẩm định không tính đến quy hoạch đất để làm nhà ở nên thiếu đất sạch.

Nhà nước không đầu tư vốn xây dựng nhà ở cho CN mà chỉ khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà cho CN thuê theo phương thức xã hội hóa. Nhưng hầu hết các chính sách khuyến khích “chưa đủ hấp dẫn” nhà đầu tư, từ việc vay vốn lãi suất ưu đãi có nhiều khó khăn về cơ chế, thủ tục, ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp...

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng còn một nguyên nhân quan trọng khác chính là việc “nhận thức của các ngành, các cấp, địa phương chưa đầy đủ, sự tham gia của xã hội, đặc biệt doanh nghiệp sử dụng lao động trong việc chia sẻ trách nhiệm giải quyết nhà ở cho CN chưa cao”.

* Bộ Tài chính: “Nhiều quy định hiện hành đang gây khó cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân”:

- Doanh nghiệp phải giải phóng mặt bằng trước, sau đó lập quy hoạch rồi mới được chấp thuận đầu tư. Vấn đề là nếu bỏ tiền ra đền bù để có quỹ đất sạch, lập quy hoạch xong mà không được duyệt chủ trương đầu tư hoặc các chỉ tiêu quy hoạch không phù hợp để kinh doanh, doanh nghiệp sẽ gánh toàn bộ thua lỗ.

- Quy định các dự án lựa chọn nhà đầu tư phải thông qua đấu thầu khiến có doanh nghiệp đã đền bù 80% dự án cũng chưa được làm chủ đầu tư mà vẫn phải thực hiện đấu thầu.

- Chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội (gồm cả dự án nhà ở cho công nhân) được miễn nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, nhưng một số địa phương không cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho các dự án này, dẫn đến việc các chủ đầu tư không thể dùng làm tài sản thế chấp để vay vốn.

* Bộ Lao động - thương binh và xã hội:

Năm 1993, khi xác định lương tối thiểu thì mức tiền nhà trong lương tối thiểu chiếm 7,5%. Nhưng từ năm 1993 đến nay không có nghiên cứu hay quy định nào khác với cơ cấu tiền nhà trong lương. Đối với người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 1,4-2 triệu đồng/tháng, mức tiền nhà được tính trong lương tối thiểu vùng tương ứng là 105.000-150.000 đồng/tháng.

Số tiền này chưa đủ cho người lao động thuê ở trọ theo thời giá hiện nay, chưa nói gì đến chuyện tích lũy mua nhà sau vài chục năm nữa.

__________

Có quá nhiều điều cần tháo gỡ để có thể thực hiện tốt hơn mục tiêu đảm bảo nhu cầu nhà ở tối thiểu cho công nhân. Nhưng giữa những đề nghị gia tăng chế tài và đề xuất tổ chức các chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn vẫn thấy tâm thế chủ yếu là chờ đợi.

Nhà ở công nhân: tiếp tục chờ đợi
Công nhân ở trọ trên đường Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), ba người thuê chung một căn phòng nhỏ như thế này với giá khoảng 600.000 đồng/tháng - Ảnh: Nguyễn Nam

Cho rằng những vướng mắc trong câu chuyện xây nhà ở cho công nhân (CN) nằm ở việc thiếu quy hoạch, đại diện Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN cho rằng cần sớm bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhìn nhận các khu công nghiệp (KCN) như những địa điểm dân cư công nghiệp hoàn chỉnh nhằm điều tiết, tạo công cụ quản lý và xây dựng các khu này. Bên cạnh đó, quy định những điều kiện và nội dung cụ thể ràng buộc trách nhiệm địa phương và chủ đầu tư trong việc bảo đảm phát triển đồng bộ quy hoạch phát triển khu dân cư công nghiệp.

“Khu dân cư công nghiệp cần được nhìn nhận không chỉ là phục vụ CN trong các KCN mà còn đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cấu trúc dân cư khu vực ngoại thành, từ đó có những điều chỉnh phù hợp để thành lập một không gian ở tốt. Các khu này là một bộ phận cấu thành của hệ thống đô thị, hoặc là một đô thị tương lai trong trường hợp KCN không gắn liền với khu đô thị hiện hữu” - ông Lưu Đức Hải, phó chủ tịch hội, nhấn mạnh.

Cần tới chế tài?

Ở góc nhìn khác, quan tâm hơn những giải pháp ngắn hạn, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN Phạm Sỹ Liêm đề nghị: “Trong 10-15 năm, chính quyền địa phương cần hỗ trợ chủ nhà trọ cải thiện nhà ở CN, giải quyết sớm tình trạng sống tồi tàn, rất kém tiện nghi của họ”.

Ông cho rằng để tăng nguồn cung nhà ở CN và để CN có khả năng chi trả chi phí thuê hoặc mua nhà ở phải có những chính sách hỗ trợ cụ thể và mạnh mẽ, chẳng hạn lập quỹ phát triển nhà ở CN KCN với nguồn tiền trích từ thuế thu từ các nhà máy, KCN mà Chính phủ cho phép cấp địa phương giữ lại để chi dùng vào mục đích cải thiện và phát triển nhà ở CN thuộc KCN đó.

“Để có thể huy động nguồn lực phát triển nhà ở CN, phải quy định bắt buộc các doanh nghiệp sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng nhà ở CN theo các cơ chế ưu đãi mà Nhà nước ban hành” - đại diện Tổng liên đoàn Lao động VN kiên trì với đề nghị gia tăng chế tài. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đồng tình với cách làm này: “Việc tạo ra cơ chế mạnh để gắn trách nhiệm doanh nghiệp trong việc đầu tư nhà ở cho CN là một trong những biện pháp cần thiết để thúc đẩy việc phát triển xây nhà ở CN”.

Theo đề xuất của Sở Xây dựng TP.HCM, nên quy định trách nhiệm, nghĩa vụ tạo quỹ đất và xây dựng nhà ở cho CN đối với doanh nghiệp sử dụng từ 500 CN trở lên. Doanh nghiệp sử dụng dưới 500 CN có nghĩa vụ đóng góp kinh phí (theo tỉ lệ số lượng CN) để địa phương đầu tư xây dựng nhà lưu trú CN. “Theo cách này, các doanh nghiệp tự xây nhà ở CN, doanh nghiệp thuê nhà cho CN ở được tính chi phí nhà ở là chi phí hợp lý (vào giá thành sản xuất) khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp” - ông Nguyễn Thanh Lâm, phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, cùng đồng tình.

Chờ đợi ở Chính phủ

Công ty May mặc Bình Dương cho biết số lao động ngoại tỉnh tại đây chiếm 83% nên nhu cầu về nhà ở cho CN công ty rất lớn. Để giảm bớt khó khăn cho CN và ổn định lao động, công ty này chủ trương xây nhà cho CN ở miễn phí. Diện tích đất xây dựng nhà ở cho CN là 4.772,4m2 được chuyển từ đất công nghiệp của công ty, do vậy Cục Thuế Bình Dương yêu cầu công ty phải đóng phí chuyển nhượng mục đích sử dụng đất gần 1,6 tỉ đồng. Do tình hình khó khăn nên công ty vẫn chưa đóng được.

Đến nay, khu nhà lưu trú đã đưa vào sử dụng từ tháng 8-2008 nhưng vẫn chưa nhận được giấy phép xây dựng do chưa hoàn thành việc nộp thuế. “Đất xây dựng nhà ở cho CN nếu không nằm trong KCN cũng cần được ưu đãi theo chính sách xây nhà ở cho CN trong KCN” - lãnh đạo Công ty May mặc Bình Dương kiến nghị.

Ông Trần Thanh Liêm, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, kiến nghị Chính phủ bổ sung cơ chế, chính sách phát triển nhà ở CN, cho phép doanh nghiệp nằm ngoài KCN được hưởng các cơ chế, chính sách về xây dựng nhà ở cho CN như các doanh nghiệp trong KCN. Trên cơ sở đó tỉnh thực hiện việc khuyến khích, ưu đãi và mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho CN nằm ngoài các KCN.

Nhìn nhận trách nhiệm của Chính phủ trong việc cần phải “tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, bố trí nguồn vốn tín dụng để tạo điều kiện huy động các nguồn lực tham gia phát triển nhà ở cho CN, tạo ra nhiều mô hình như nhà ở cho thuê, nhà ở để bán, nhà ở cho thuê mua, nhà ở phúc lợi của doanh nghiệp, nhà ở dân doanh...”.

Song Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng “Các địa phương cũng cần dành nguồn lực thích đáng chủ động đầu tư để có quỹ nhà ở cho CN thuê” bên cạnh việc quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu như: cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao, trường học, cơ sở nuôi dạy trẻ... cho CN lao động. Ông đề nghị: “Phía doanh nghiệp coi việc cung cấp nhà ở cho CN đang làm việc trong doanh nghiệp mình là tố chất quyết định sức cạnh tranh, đồng thời là trách nhiệm xã hội đối với người lao động”.

Bức bách quá, phải tự làm

Ông Phùng Đình Ngọ, giám đốc Công ty TNHH may Bình Hòa (Q.Gò Vấp, TP.HCM), nói vậy khi kể về câu chuyện xây nhà cho CN. “Cứ sau tết, chuyện CN tìm nhà ở khó khăn lại ảnh hưởng hoạt động của công ty, đơn hàng khó đảm bảo nên tôi quyết định mua đất xây nhà cho CN ở. Năm 2009 xây xong nhà cho 70-80 CN trọ”. Khu nhà trọ này để CN tự quản, giá thuê 400.000-500.000 đồng/tháng, thấp hơn giá thị trường. Ông Ngọ cho biết từ ngày có khu nhà trọ, CN yên tâm hơn nên hoạt động của công ty ổn định hơn.

Ông Phạm Xuân Hồng, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, thừa nhận nhà ở cho CN là câu chuyện “nói nhiều nhưng làm chẳng được bao nhiêu”. “Việc này Nhà nước phải chủ động tính vì hiếm công ty nào đủ năng lực tự làm trước lượng CN vô cùng lớn của ngành dệt may” - ông Hồng nói.

Theo ông Hồng, một hướng ra đang được TP.HCM thực hiện, như việc cấp 3ha đất cho Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 để xây nhà ở cho CN. Mô hình “Nhà nước và công ty cùng làm” tuy chưa được công bố cụ thể, song hi vọng sẽ khả thi hơn việc giao phó hoàn toàn cho doanh nghiệp trong bối cảnh giá bất động sản rất cao hiện nay.

Ông VŨ VĂN HÒA (trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM):

Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm

TP.HCM có khoảng 250.000 CN, nhưng chỉ đáp ứng 5% nhu cầu chỗ ở cho họ. Trong bảy dự án nhà ở đã hoàn thành (đáp ứng khoảng 6.000 chỗ ở) và chín dự án đang trong quá trình triển khai (khoảng 12.000 chỗ ở), chỉ có ba dự án do các doanh nghiệp sử dụng lao động tại các KCN xây, còn lại do chủ đầu tư các KCN, các doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh địa ốc xây cho thuê.

Tôi cho rằng không nên xem việc xây dựng nhà trọ cho CN là chuyện bắt buộc đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động (hiện chỉ khuyến khích những doanh nghiệp sử dụng từ 500 lao động trở lên xây nhà lưu trú cho CN) bởi vì vấn đề này liên quan đến chính sách thu hút đầu tư, khả năng của các doanh nghiệp... trong khi chi phí xây nhà lưu trú cho CN khá cao, tìm đất không dễ. Trên 50% doanh nghiệp tại các KCN đang có chính sách phụ cấp (ngoài lương) để CN tự lo chỗ ở, ta nên khuyến khích điều này.

Nhà nước không đủ tiền để đầu tư hàng loạt dự án nhà lưu trú cho CN. Do vậy, cần có các chính sách ưu đãi để Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. TP.HCM có chương trình kích cầu bằng cách hỗ trợ 3% lãi suất vay (trong vòng bảy năm) đối với doanh nghiệp xây nhà lưu trú cho CN, nhưng cần hỗ trợ cao hơn nữa như miễn toàn bộ tiền thuê đất đối với doanh nghiệp làm dự án trong KCN, tăng mức hỗ trợ lãi vay lên 5% trong thời gian hỗ trợ lâu hơn (15 năm)...

Tôi nghĩ với số lượng CN rất đông hiện nay trong khi nhà lưu trú chưa nhiều thì nhà trọ của tư nhân còn có vai trò quan trọng trong vòng 5-10 năm nữa. Do vậy Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đối với các chủ nhà trọ để họ nâng cao chất lượng nhà ở cho CN.

TP.HCM đã dành ưu đãi cho các chủ nhà trọ được vay tối đa 1,5 tỉ đồng để sửa chữa nhà, 2,5 tỉ đồng để xây nhà trọ mới... nhưng các yêu cầu về “đầu vào” còn khá cao khiến người có nhu cầu khó tiếp cận được vốn vay. Cũng phải giảm bớt các tiêu chí “đầu vào” và các thủ tục về cấp phép xây dựng để nhiều người có thể tiếp cận vốn vay, từng bước nâng cao chất lượng nhà trọ.

__________

Xa quê, điều mà nhiều công nhân lo lắng nhất là chỗ ở. Khi giá nhiều mặt hàng leo thang, nhà trọ liên tục tăng giá, việc được vào ở các ký túc xá thành niềm ao ước lớn của họ. Nhiều doanh nghiệp đã nhận ra điều này.

Nhà ở công nhân: tiếp tục chờ đợi
Nhà ở miễn phí cho công nhân của Công ty Acecook - Ảnh: Mai vinh

“Hơn hai tuần ni ba chị em chạy khắp nơi tìm phòng trọ mà không có. Tới mô chủ nhà cũng lắc đầu nói đã hết phòng” - chị Nguyễn Thị Minh lo lắng.

Căng thẳng tìm chỗ trọ

Bình Dương xây nhà cho công nhân ở miễn phí

Công ty TNHH May mặc Bình Dương đã chi 27 tỉ đồng xây dựng khu nhà ở cho công nhân trên diện tích hơn 1.100m2 gồm 106 phòng, sức chứa 1.000 người. Số lao động ngoại tỉnh đang làm việc tại công ty chiếm 83% nên nhu cầu về nhà ở rất lớn.

Công ty cổ phần thép Hồng Nam (huyện Tân Uyên, Bình Dương) xây dựng một khu nhà ở miễn phí rộng gần 500m2, cung cấp chỗ ở cho khoảng 100 công nhân bên cạnh một khu vui chơi giải trí khác cho họ rộng khoảng 3.000m2.

Cả ba chị em chị Minh rời Hà Tĩnh đã lâu nhưng chưa tìm được phòng trọ, phải sống tạm cùng năm đồng hương trong căn phòng vẻn vẹn 13m2. Minh cho biết chị “nộp hồ sơ vào Công ty may 3-2 hoặc Công ty Acecook vì nghe đồng nghiệp nói ở đó có nhà ở miễn phí”. Khi giá cả tăng cao, nhiều công nhân (CN) đã chọn phương án tiết kiệm từng bữa ăn, chịu khổ ở dồn năm, bảy người trong một căn phòng hẹp... “Lương tụi em chỉ 1,3 triệu đồng/tháng trong khi giá xăng tăng, tiền nhà trọ tăng, rau tăng, gạo tăng... Xa quê vào đây ai cũng muốn dành dụm gửi về quê phụ giúp gia đình” - chị Linh, CN công ty D, nói.

Giá vật liệu tăng cao, các chủ nhà trọ ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai lắc đầu khi nói về chuyện xây mới phòng trọ. “Năm trước tôi tính xây thêm 20 phòng cho CN thuê nhưng giá vật liệu tăng cao quá nên thôi. Đầu tư vào nhà trọ phải nhiều năm mới lấy được lãi nên không dám vay mượn ngân hàng” - chị Nguyễn Thị Lan, chủ một nhà trọ bên cạnh Khu công nghiệp Biên Hòa (Đồng Nai), nói. Nguồn cung thiếu làm gia tăng căng thẳng cho hàng trăm ngàn CN khi đi tìm chỗ trọ.

Khi doanh nghiệp chia sẻ

Ông Thái Chánh, chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Acecook VN, cho biết công ty có trên 90% là lao động nhập cư. Khi tiến hành khảo sát đời sống lao động của mình, chứng kiến tình hình ở trọ tự phát chật chội, tệ nạn xã hội bủa vây, đặc biệt vất vả cho CN nữ, Acecook quyết định đầu tư 30 tỉ đồng xây dựng nhà ở miễn phí cho CN nữ. “Giai đoạn 2, chúng tôi sẽ xây dựng khu nhà ở dành cho CN nam. Đây cũng là khu nhà mẫu mà chúng tôi sẽ nhân rộng ra các tỉnh thành, nơi có nhà máy của Acecook VN hoạt động” - ông Hoàng Cao Trí, phó tổng giám đốc Acecook VN, nói.

Nguyễn Thị Hồng, CN Công ty Acecook, hài lòng nói về sự thay đổi tốt đẹp cô có được khi kết thúc ba năm ở trọ bên ngoài, vào khu nhà ở của công ty sống: “ở đây có phòng karaoke, phòng đọc, khu nấu ăn, chơi thể thao, phòng máy giặt... Được ở miễn phí như thế này, không chỉ em mà gia đình ở quê cũng vui lắm”.

Acecook không phải là công ty duy nhất xây nhà cho CN. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp như nhựa TPC, Công ty sản xuất gỗ Great Veca, Công ty Choong Nam... cũng đầu tư cho các khu nhà CN của họ. Tập đoàn Feng Tay đầu tư hơn 10 triệu USD xây dựng một khu nhà ở cho CN tại Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) bố trí chỗ ở cho hơn 8.000 CN. Formosa VN chi 6,2 triệu USD xây dựng ký túc xá chín tầng cho 2.000 CN tại xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) với hàng ngàn phòng ngăn nắp...

Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết toàn tỉnh hiện có 61 dự án đăng ký xây ký túc xá, nhà ở cho CN, trong đó 17 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. 37 địa điểm xây dựng nhà ở cho CN, nhà ở cho người có thu nhập thấp với tổng diện tích đất hơn 313ha đã được phê duyệt.

Bản thân các doanh nghiệp sử dụng lao động đã đầu tư xây dựng 60.000m2, có khả năng bố trí chỗ ở cho 10.000 người. Thực tế cho thấy những doanh nghiệp quan tâm chăm lo đời sống CN, xây dựng nhà ở miễn phí cho họ luôn có được nguồn lao động ổn định và gắn bó lâu dài.

    Nguồn tin: Thanh Quang - Nguồn: Báo Tuổi trẻ

      Ý kiến bạn đọc

    Mã bảo mật   

    Những tin mới hơn

    Những tin cũ hơn

    Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây