Hiện nay, Bộ Xây dựng đang soạn thảo Tiêu chuẩn hướng dẫn gia cường kết cấu công trình hiện hữu dự kiến sẽ ban hành vào đầu năm 2012; sổ tay cấu tạo kháng chấn nhà dân dụng trong vùng động đất; hướng dẫn tính toán thiết kế, cấu tạo kháng chấn CTXD (theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và nước ngoài). Trong thời gian tới, dự kiến từ 1 - 2 năm, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về thiết kế kháng chấn CTXD, trong đó quy định rõ việc yêu cầu tính toán kháng chấn đối với từng loại và cấp công trình cho phù hợp với quy định về phân cấp CTXD; bổ sung tiêu chuẩn kháng chấn đối với công trình dạng tháp, dạng cột, ống khói, công trình silô, bể chứa, đường ống. Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng, bổ sung thêm tiêu chuẩn ngành về kháng chấn cho các công trình thủy lợi. Song song với việc hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kháng chấn, trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tăng cường đào tạo, phổ biến kiến thức về động đất, tính toán thiết kế, cấu tạo kháng chấn tại các địa phương nằm trong vùng có động đất.
Đặc điểm nổi bật của các công trình chung cư cũ hiện nay là các tòa nhà được xây dựng trước năm 1997, các công trình xây dựng trong giai đoạn này hầu hết có quy mô nhỏ từ 2 - 5 tầng, do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn và chưa ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 1997 cho nên vấn đề kháng chấn cho CTXD ít được quan tâm. Các công trình này thường sử dụng các dạng kết cấu chịu lực như: Tường xây gạch, khung BTCT, khung BTCT lắp ghép, kết cấu lắp ghép tấm lớn. Và hầu như đã qua sử dụng nhiều năm và hầu như không được bảo trì, nhiều công trình đã xuống cấp, bị lún, lún nghiêng, nứt vỡ cấu kiện, ăn mòn cốt thép. Mặt khác, trong quá trình sử dụng đã trải qua nhiều lần sửa chữa cải tạo tùy tiện cũng làm suy giảm khả năng chịu lực và khả năng kháng chấn. Các công trình này được xếp vào nhóm nhà nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ khi có động đất. Tiêu chuẩn kháng chấn được sử dụng tại thời kỳ này chủ yếu là SNiP II-7-81.
Kết quả kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn kháng chấn tại các địa phương cho thấy: Hầu hết các công trình nhà cao tầng nằm trong vùng có động đất trong thời gian này đã được thiết kế kháng chấn. Tuy nhiên, còn tồn tại một số công trình chưa tính toán thiết kế kháng chấn, công trình có tính toán kháng chấn nhưng chưa chính xác hoặc cấu tạo không đầy đủ thường được xây dựng trước năm 2006 là thời điểm ban hành Tiêu chuẩn TCXDVN 375:2006 - Thiết kế công trình chịu động đất.
Nhìn chung các công trình được thi công theo đúng hồ sơ thiết kế đã được duyệt. Tuy nhiên, tại một vài công trình, chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn giám sát chưa thực hiện nghiêm túc các chi tiết cấu tạo kháng chấn như: Cốt đai gia cường tại nút khung và cốt đai gia cường khả năng chịu xoắn của cấu kiện.
Tại các địa phương đã xảy ra động đất, các ngôi nhà có kích thước mặt bằng, mặt đứng cân đối, đa số là các công trình thấp tầng và được xây dựng đảm bảo chất lượng thì khả năng kháng chấn là tương đối tốt, thường chỉ bị hư hỏng cục bộ tại các liên kết tường và khung hoặc tại các bức tường có lỗ mở nhưng không được gia cường. Một số địa phương nằm trong vùng có động đất như: Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An… Sở Xây dựng các tỉnh đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn việc thiết kế, cấu tạo kháng chấn. Kiểm tra thực tế, các công trình nhà ở riêng lẻ do nhân dân tự xây dựng tại đây về cơ bản tuân thủ các yêu cầu về cấu tạo kháng chấn. Tại các địa phương ít xảy ra các rung động do động đất, các hộ dân khi xây dựng nhà ở của mình hầu như chưa quan tâm đến việc thiết kế, cấu tạo kháng chấn.
Đối với các công trình giao thông hầu hết đã được thiết kế kháng chấn theo tiêu chuẩn ngành 22 TCN-221-95 do Bộ GTVT ban hành. Các công trình giao thông thuộc Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước chất lượng CTXD đã kiểm tra, nghiệm thu như: Cầu Thanh Trì, cầu Bãi Cháy, cầu Vĩnh Tuy, cầu Sông Gianh, cầu Thủ Thiêm… đều có thiết kế và cấu tạo kháng chấn đầy đủ. Các công trình thủy lợi có quy mô lớn đều có thiết kế kháng chấn như: Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Nậm Chiến, Tuyên Quang… Các công trình thủy lợi được thiết kế kháng chấn theo tiêu chuẩn SNiP 33-01-2003, SNiP II-7-81 của Nga và các tiêu chuẩn USACE, FERC-2002 của Mỹ. Hiện nay, Việt Nam chưa có Tiêu chuẩn ngành về thiết kế kháng chấn cho công trình thủy lợi.
Đề xuất các giải pháp
Đối với các công trình nhà tập thể, chung cư cũ cần thiết phải được kiểm tra, rà soát một cách tổng thể trên quy mô toàn quốc, tiến hành kiểm định, đánh giá lại khả năng chịu lực nhất là đối với tải trọng động đất. Các công trình không đảm bảo khả năng kháng chấn, tùy theo mức độ xuống cấp có thể tiến hành gia cường khả năng kháng chấn hoặc các công trình ở mức nguy hiểm cần phá dỡ, đầu tư xây dựng mới. Các công trình đã xây dựng từ năm 1997 đến nay, yêu cầu các chủ đầu tư, sử dụng phải thường xuyên bảo trì công trình theo đúng quy định. Trong trường hợp có sửa chữa, cải tạo, thay đổi công năng sử dụng cần có hồ sơ thiết kế đánh giá lại khả năng kháng chấn của công trình.
Đào tạo, phổ biến kiến thức về động đất, thiết kế, cấu tạo và gia cường kháng chấn công trình cho các cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động xây dựng như chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, thẩm tra thiết kế và các đơn vị thi công xây dựng công trình. Quy định bắt buộc trong các văn bản quy phạm pháp luật về công tác kiểm tra khả năng kháng chấn công trình thông qua hồ sơ thiết kế và hiện trường thi công xây dựng công trình.
Đối với một số công trình giao thông đã quá tuổi thọ sử dụng, sử dụng quá tải hoặc bị hư hỏng, xuống cấp cần được kiểm định lại về khả năng kháng chấn. Một số đập, hồ chứa được xây dựng nhiều năm trước hiện cũng đã xuống cấp cần được kiểm định, đánh giá lại khả năng kháng chấn.
Thanh Quang - Nguồn: Báo Xây Dựng điện tử
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn