Tổng kết Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ XIII (2022-2023)
Thứ sáu - 08/12/2023 13:41
Sáng nay 08/12/2023) UBND tỉnh Bình Định tổ chức Lễ Tổng kết Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ XIII (2023-2024)-với sự tham dự của hơn 200 đại biểu. Sẽ có 37 giải pháp của hơn 70 tác giả, đồng tác giả và cộng sự đến từ các cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp…trong tỉnh được trao giải.
Hội thi lần này có 54 hồ sơ tham dự trên 6 lĩnh vực. Qua sơ khảo, thường trực Ban tổ chức Hội thi quyết định đưa 52 giải pháp vào chấm thi. Hơn 50 giám khảo đã làm việc trách nhiệm, khách quan và công tâm tuyển chọn 37 giải pháp đưa vào khung giải thưởng. UBND đã quyết định trao 5 giải nhất, 7 giải nhì, 6 giải ba và 19 giải khuyến khích tương ứng với 6 lĩnh vực dự thi.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Bình Định, Trưởng ban Ban tổ chức Hội thi, cho biết: “Với tinh thần trách nhiệm cao, Ban Tổ chức Hội thi làm việc sâu sát, sớm triển khai, vận động, tuyên truyền các cá nhân, đơn vị tham gia. Tuy nhiên, do hậu quả của dịch Covid-19, một số ngành gặp khó khăn khi triển khai các đề tài NCKH nên số giải pháp tham dự Hội thi còn hạn chế, nhất là lĩnh vực Nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông. Nhìn chung, chất lượng Hội thi vẫn đảm bảo, khâu sàng lọc, tuyển chọn các giải pháp xứng đáng để trao giải được thực hiện kỹ. Các giải pháp đoạt giải Hội thi đều bảo đảm tính mới, tính sáng tạo, có khả năng áp dụng với quy mô rộng đồng thời mang lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, xã hội”.
Các đơn vị có nhiều giải pháp tham gia và đoạt giải trong Hội thi lần này phải kể đến: Bệnh viện Đa khoa tỉnh (04 giải pháp), Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn (07 giải pháp); Công ty Điện lực Bình Định (04 giải pháp)... Đặc biệt, tác giả Hồ Quang Thịnh thuộc Công ty Điện lực Bình Định có 04 giải (01 giải Nhì và 03 giải khuyến khích) và tác giả Nguyễn Tấn Quý thuộc Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn đoạt 02 giải khuyến khích. Các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh lần đầu tiên tham dự và có 02 giải pháp đoạt giải…
Các tác giả tham gia Hội thi lần này đa dạng, thuộc nhiều thành phần: các nhà quản lý, nhà khoa học, người đang trực tiếp sản xuất, giáo viên, lực lượng vũ trang; thuộc các tổ chức nghiên cứu, giáo dục, tổ chức hội, các công ty cổ phần và kinh doanh cá thể, nông dân… đăng ký tham dự thi. Bên cạnh các gương mặt quen thuộc, Hội thi có sự xuất hiện của các tác giả lần đầu tham dự và đoạt giải cao. “Lần đầu đến với Hội thi và đoạt giải, bản thân mong đóng góp một phần nhỏ công sức của mình cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà. Qua đó, có thể chia sẻ, lan tỏa kết quả nghiên cứu của mình ứng dụng sâu rộng hơn tại các Trường THPT trong và ngoài tỉnh” – Th.S Nguyễn Đình Thức (Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn) chia sẻ.
Nhìn chung, Hội thi lần này gặt hái nhiều thành công với các giải pháp thiết thực đã được ứng dụng thực tế mang lại hiệu quả cao trong đời sống sản xuất. Đáng chú ý, là sự xuất hiện của nhiều giải pháp chất lượng cao đến từ khối doanh nghiệp tư nhân: “Bộ lái thủy lực tàu thuyền (có điều khiển remote)” của tác giả Lê Tấn Thêm (Công ty TNHH SX TM & DV Tàu Thuyền Lê Thêm); “Ứng dụng phương pháp chiết rót định lượng hồi lưu vào sản xuất đóng chai thực phẩm lỏng” của -KS. Phan Minh Hữu (Công ty TNHH TM SX DV Hồng Minh); Nghiên cứu phát triển Sản phẩm Spray Tây Sơn Tam Kiệt có tác dụng điều trị chấn thương toàn thân từ phân tích, đúc kết và hiện đại hóa các bài thuốc võ cổ truyền của võ y Bình Định của nhóm tác giả thuộc Tổng Công ty CP Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar)…
Lĩnh vực Y – dược tiếp tục khẳng định chất lượng với các giải pháp có tính ứng dụng cao mang lại lợi ích thiết thực trong công tác khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Đơn vị Bệnh viện Đa khoa tỉnh dẫn đầu là đơn vị có nhiều giải pháp tham dự và đoạt giải Hội thi (6 giải pháp đoạt giải). Đặc biệt, có 02 giải nhất: “Đánh giá kết quả sớm của phẫu thuật cắt gan có kiểm soát cuống gan theo kỹ thuật Takasaki tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định” của BSCKII Lê Đức Hải và TTND. BSCKII. Phạm Văn Phú; “Nghiên cứu tạo nhịp tim vĩnh viễn vị trí vùng vách thất phải trên bệnh nhân rồi loạn nhịp tim chậm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh” của BSCKII Phan Nam Hùng và các cộng sự. TTND. BSCKII Phạm Văn Phú và BSCKII Phan Nam Hùng là 2 gương mặt quen thuộc với Hội thi, nhiều năm liền có nhiều giải pháp đạt giải cao. “Mỗi lần tham gia Hội thi, chúng tôi thêm cơ hội được triển khai, ứng dụng những kinh nghiệm đúc kết trong quá trình học tập và làm việc. Hội thi STKT tỉnh vừa là một sân chơi bổ ích về các lĩnh vực chuyên môn, vừa tạo điều kiện cho chúng tôi lan tỏa kết quả nghiên cứu của mình. Hội thi cũng tiếp thêm cho chúng tôi động lực tiếp tục học tập, nghiên cứu và ứng dụng tốt hơn nữa trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân” - TTND. BSCKII Phạm Văn Phú chia sẻ.
Lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo có 9 giải pháp đoạt giải. Đó là những giải pháp được các tác giả nghiên cứu một cách bài bản, khoa học, đầu tư nhiều thời gian và tâm huyết. Bên cạnh những phương pháp dạy học tích cực, sáng tạo còn có những mô hình, thiết bị được giáo viên cải tiến, thiết kế, chế tạo làm phương tiện giảng dạy hiệu quả, tạo hứng thú cho học sinh. Điển hình như: “Thiết kế, chế tạo bộ khảo sát chuyển động ném xiên trong chương trình vật lý lớp 10 – Chương trình giáo dục phổ thông 2018” của ThS. Huỳnh Xuân Lâm (giáo viên Vật lý, Trường THPT số 1 Tuy Phước) và ThS. Vương Trường Quân (Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định), “Thiết kế, thi công thiết bị thực hành điện ô tô” của KS. Đỗ Ngọc Hùng và ThS. Phạm Văn Thống (Khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn), “Sử dụng phương pháp số học để giải và sáng tác các bài toán dãy số từ đề thi học sinh giỏi hiện nay” của ThS. Nguyễn Đình Thức (Trường THPT Chuyên Lê Qúy Đôn)...
Lĩnh vực Vật liệu, hóa chất, năng lượng và các lĩnh vực khác bắt đầu nhận được sự quan tâm của các tác giả với những giải pháp chất lượng. Hội thi năm nay, lĩnh vực này thu hút 4 giải pháp tham dự và cả 4 giải pháp đều đoạt giải, gồm 1 nhất, 1 ba và 2 khuyến khích. Giải nhất thuộc về “Sử dụng Plasma lạnh kết hợp phun sương dược liệu nano tự chế tạo để phục vụ nghiên cứu nông nghiệp và y sinh” của TS. Đỗ Phương Anh (Trường THPT Trần Cao Vân) và ThS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Bình Định). Là tác giả của nhiều giải pháp đoạt giải cao trong nhiều năm liên tiếp, TS. Đỗ Phương Anh bày tỏ: “Vừa bận rộn với công tác quản lý, vừa giữ được đam mê sáng tạo là rất khó. Động lực giúp tôi theo đuổi niềm đam mê sáng tạo và nhiều năm liền tham gia Hội thi bắt nguồn từ đời sống, trước nhu cầu cấp bách của người dân, thôi thúc mình nghiên cứu và làm ra các sản phẩm để hỗ trợ họ.”
Trải qua 13 lần tổ chức, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật đã trở thành nơi để các tác giả tin tưởng “gửi gắm” những thành quả nghiên cứu của mình với mong muốn ứng dụng hiệu quả, lan tỏa sâu rộng mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Mỗi một sáng tạo được công nhận, mỗi tác giả được vinh danh là động lực rất lớn để đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tự tin “dấn thân” trên hành trình nghiên cứu khoa học.
“Hội thi XIII đã khép lại với những kết quả đáng ghi nhận. Song, cũng đặt ra cho ban Tổ chức Hội thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế: Hội thi vẫn chưa thực sự trở thành phong trào rộng lớn trong quần chúng nhân dân và người lao động; vẫn còn nhiều đơn vị, địa phương và một số ngành, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh chưa tích cực tham gia. Công tác tuyên truyền và vận động tham gia Hội thi tuy tích cực hơn nhưng vẫn chưa thực sự đến được cấp huyện, thị xã, thành phố quan tâm; một số sở, ngành và nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm động viên, đôn đốc và hỗ trợ kịp thời; số tác giả, nhóm tác giả trẻ tuổi hiện đang công tác tại các đơn vị sản xuất tham dự thi có tăng nhưng vẫn chưa tương xứng với lực lượng lao động trẻ… Thời gian tới, Ban Tổ chức mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ngành liên quan tạo điều kiện cho các đơn vị, cá nhân tham dự Hội thi đông đảo hơn. Từ đó, góp phần khích lệ phong trào lao động sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng đưa khoa học - kỹ thuật vào phục vụ sản xuất, đời sống, thực hiện quan điểm Khoa học công nghệ là động lực phát triển nhanh và bền vững” - Bà Nguyễn Thị Thanh Bình bày tỏ.
Tác giả bài viết: HT (ST)
Nguồn tin: TRang wrb Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bình Định: