Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ngành liên quan; các địa phương trong tỉnh; đơn vị cung cấp nước sạch và đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cấp nước, hạ tầng.
Thông tin tại hội nghị, Sở Xây dựng cho hay, năm 2024 chỉ tiêu “tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung” là một trong 21 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu được HĐND tỉnh giao, từ 88% - 90%.
Đến hết 6 tháng đầu năm nay, dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 86,9% (thấp hơn bình quân chung của cả nước theo đánh giá của Hội Cấp thoát nước Việt Nam là 92%). Bên cạnh một số địa phương đạt và vượt so với kế hoạch về chỉ tiêu cấp nước sạch tập trung đô thị như: An Nhơn (93,2%), Tây Sơn (94,5%), Tuy Phước (85,5%), Phù Cát (88,3%), Hoài Nhơn (71,4%), Hoài Ân (98,2%), hiện vẫn còn một số địa phương chưa đạt được tỷ lệ theo kế hoạch hoặc tỷ lệ còn thấp, cần phải tăng cường các giải pháp để vận động người dân tham gia đấu nối và sử dụng nước sạch từ nay đến cuối năm.
Hiện nay, tại các đô thị đa phần đều có nhà máy cấp nước sạch đảm bảo công suất để cấp nước cho người dân; tuy nhiên, việc đầu tư, mở rộng mạng lưới cấp nước sạch còn gặp nhiều khó khăn từ nguồn kinh phí cũng như thực tiễn đầu tư xây dựng, mở rộng mạng lưới cấp nước sạch.
Tại hội nghị, các địa phương và đơn vị cung ứng nước sạch tập trung cho đô thị thảo luận làm rõ thêm các giải pháp tuyên truyền, vận động người dân đấu nối và sử dụng nước sạch, cũng như kinh nghiệm trong việc đầu tư, mở rộng mạng lưới cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, đáng chú ý là công tác quản lý cấp nước, việc phân giao chỉ tiêu cho cấp xã; địa phương tranh thủ vận dụng cơ chế thực hiện dự án cấp nước sinh hoạt được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, chủ động cân đối bố trí kinh phí đối ứng vốn ngân sách (chi phí xây dựng, lắp đặt) để đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước. Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia đấu nối, sử dụng nước sạch được địa phương chú trọng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Bên cạnh đó là tăng cường công tác quản lý chất lượng nước sạch cung cấp cho người dân và việc kiểm soát tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch của các đơn vị cấp nước sạch tập trung; việc phối hợp với địa phương trong cấp nước sạch và hỗ trợ người dân trong đấu nối, sử dụng nước sạch…
Tại hội nghị, Trung tâm Dân số, Môi trường và Phát triển (PED) chia sẻ kinh nghiệm phương pháp tuyên truyền và vận động người dân tham gia đấu nối và sử dụng nước sạch, thuộc khuôn khổ dự án 4 về “Thực hiện các hoạt động truyền thông và tư vấn cho người dân TX An Nhơn về nước sạch, thu gom xử lý nước thải và khuyến khích đấu nối vào các mạng lưới này”, do UBND tỉnh phối hợp với các nghiệp đoàn SEAFF/SFL (Pháp) thực hiện tại Bình Định.
Dịp này, Sở Xây dựng triển khai nội dung “Sổ tay tuyên truyền về đấu nối và sử dụng nước sạch Tiết kiệm - An toàn - Hiệu quả” giúp các cán bộ quản lý, theo dõi chỉ tiêu nước sạch tại địa phương, các đơn vị cấp nước và người dân nắm được những thông tin cơ bản về lợi ích của việc sử dụng nước sạch, về thủ tục đấu nối, chi phí đấu nối, thanh toán tiền nước, về một số biện pháp để sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, đây cũng là tài liệu gợi mở ban đầu để các địa phương nghiên cứu, phát triển và có các giải pháp để tuyên truyền cho người dân tham gia đấu nối, sử dụng nước sạch, tăng tỷ lệ người dân được cung cấp nước sạch tại địa phương, góp phần vào mục tiêu chung của tỉnh.
Tác giả bài viết: HT (ST)
Nguồn tin: Báo Bình Định:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn