Thành phố trong thành phố
Hình dung về sự kết nối của các thành phố ngầm dưới lòng đất nhiều người thường nghĩ tới PATH - Toronto – nơi được mệnh danh là "thành phố trong thành phố". Khu phức hợp thương mại ngầm này phục vụ nhu cầu hàng ngày cho hơn 100.000 người, và được bao quanh bởi hai đường tàu điện ngầm, sáu trạm ga, một nhà ga đầu cuối quá cảnh khu vực và một bến xe buýt quốc gia kết nối hơn 50 tòa tháp văn phòng và các tòa nhà, 6 khách sạn lớn, 2 cửa hàng bách hóa lớn, hơn 20 nhà để xe đậu xe ngầm và các địa điểm quan trọng khác.
Trung tâm Mua sắm ngầm PATH trải dài từ phố Harbour tới phố College, trong khu vực trung tâm thành phố Toronto. Có hơn 125 lối vào trên mặt đất.
Một góc trung tâm thương mại ngầm dưới lòng đất PATH tại Toronto - Canada.
Hay như ở Singapore – một đất nước luôn trong tình trạng thiếu đất và phải khai thác tối đa quỹ đất, đã biến các thành phố ngầm trở thành kiến trúc điển hình.
Quy hoạch của Chính phủ Singapore khá rõ ràng khi phân tầng con đường đi xuống lòng đất. Cụ thể, tầng thứ nhất từ 1-3m là đường dành cho người đi bộ kết nối từ điểm này sang điểm khác. Tầng thứ hai 5-50 m là đường hầm dịch vụ chung chạy cáp viễn thông, đường ống nước, đường dây điện. Tầng thứ ba dành cho tàu điện ngầm MRT và hầm cho xe cộ lưu thông. Tầng thứ ba 100m và sâu hơn là kho đạn dược dưới lòng đất.
Những công trình ngầm điển hình ở Canada hay Singapore phần nào đã phản ánh xu hướng phát triển của các đô thị hiện đại, có quỹ đất eo hẹp.
Ga tàu điện ngầm ở Singapore.
Từng là kiến trúc sư trưởng của TP Hà Nội, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển Việt Nam, cho rằng việc kết nối giữa không gian ngầm với công trình trên mặt đất một cách thuận tiện là yêu cầu bắt buộc. Xu thế các nước là kết hợp giữa trung tâm thương mại, giao thông ngầm, nổi...
Ở Hà Nội, cơ quan chức năng xác định xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị bao gồm cả phần nổi và ngầm nhưng quá trình thi công đã gặp nhiều khó khăn do quy hoạch không gian ngầm chưa rõ.
Còn theo GS Nguyễn Quang Phích – Chủ tịch Hội Công trình ngầm Việt Nam, chưa có TP nào ở Việt Nam xây dựng được quy hoạch tổng thể, lâu dài không gian ngầm. Thường chỉ làm quy hoạch ngắn, chưa chú ý đến quy mô phát triển lâu dài không gian ngầm.
Thực tế nhiều nước phát triển cũng đã trải qua các giai đoạn quy hoạch manh mún như ở nước ta hiện nay và gặp khó khăn khi có nhu cầu sử dụng không gian ngầm nhiều hơn. Và theo GS Phích để tránh tình trạng này cần có quy hoạch tổng thể rõ ràng và lâu dài hơn.
Công trình ngầm đem lại lợi ích gì?
Lý giải về việc thiếu quy hoạch tổng thể, TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, hiện nay, nhiều công trình có phần ngầm dưới mặt đất nhưng chưa có dữ liệu. Trong khi đó, điều kiện địa chất, thủy văn của Hà Nội cũng rất phức tạp, nhất là khu phố cổ.
Bên cạnh đó TS Nghiêm cũng cho rằng cơ sở pháp lý về khai thác và sử dụng không gian ngầm vẫn còn thiếu. Nếu như trên mặt đất, chúng ta có nhiều công cụ để quản lý như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, thì những công trình ngầm chưa có cơ chế, quy định cụ thể để thấy rõ trách nhiệm, quyền lợi của chủ đầu tư về khai thác công trình ngầm như thế nào.
Bàn về nguyên tắc quy hoạch các đô thị, TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, để khai thác các công trình ngầm, cần định hướng cụ thể về nhu cầu sử dụng dựa theo tốc độ phát triển kinh tế và đô thị. Ví dụ, với 0,3% đất tự nhiên, với tốc độ tăng trưởng kinh tế, dân số 3% thì cần bao nhiêu công trình ngầm và bao nhiêu công trình nổi.
Còn KTS Trần Huy Ánh – Hội kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng người Singapore làm được những công trình ngầm quy mô là bởi họ dựa vào lực lượng chuyên gia trong nước rất mạnh. Ngay trong quá trình nghiên cứu, họ đã đưa ra các tình huống rủi ro, tình huống cạnh tranh, công kỹ nghệ để lựa chọn những giải pháp tốt nhất, họ tích hợp nhiều giá trị, công năng sử dụng trong cùng một công trình, một diện tích sử dụng.
Đường tàu điện ngầm tại trung tâm TP.HCM.
Tất cả những điều đó họ nghiên cứu hàng chục năm rồi mới thực hiện. Kiến trúc sư trưởng người Sing Lưu Thái Cơ từng nói: Làm quy hoạch đừng nghĩ đến tiền mà hãy nghĩ xem quy hoạch sẽ đem lại gì cho cư dân ở thành phố đó.
Còn tại Việt Nam, giới chuyên môn cũng đánh giá cao nhiều nhà thầu có đủ năng lực tốt để thực hiện các công trình ngầm. Trong đó, hiện nay FECON là một trong những đơn vị có sự chuẩn bị khá chu đáo về nguồn nhân lực, công nghệ, thiết bị thi công để sẵn sàng thực thi các dự án lớn.
Câu chuyện còn lại là sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm từ của các cơ quan quản lý nhà nước để Việt Nam có thể "tiến vào lòng đất", làm chủ không gian ngầm.
Bình An
Theo Trí thức trẻ
Tác giả bài viết: HT (ST)
Nguồn tin: Trí Thức trẻ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn