Ủy ban thành phố thông minh quốc gia Thái Lan (NSCC) ngày 11-3 hối thúc đẩy mạnh đề xuất cho thành phố thông minh, khẳng định việc biến các thành phố hiện tại trở nên thông minh hơn với thiết kế hiện đại và công nghệ tiên tiến là ưu tiên của chính phủ.
Để cải thiện cuộc sống người dân
Thái Lan đã thể hiện quyết tâm xây dựng thành phố thông minh trên toàn cầu. Nền tảng dữ liệu thành phố thông minh dự kiến được triển khai ngay trong năm nay để tạo điều kiện cho việc chuyển đổi, trong khi khoảng 100 dịch vụ điện tử sẽ sẵn sàng phục vụ người dân từ năm 2022.
Theo kế hoạch của NSCC, 10 khu vực tại bảy tỉnh thành đã bắt đầu chuyển đổi bao gồm Phuket, Chiang Mai, Khon Kaen, Bangkok, Chon Buri, Rayong và Chachoengsao.
Trong năm nay, nước này sẽ bắt đầu xây dựng 30 khu vực thành phố thông minh tại 24 tỉnh và đạt mục tiêu có 100 thành phố thông minh tại 77 tỉnh vào năm 2022, theo Bangkok Post.
Mục tiêu cuối cùng của công nghệ thông minh là cải thiện cuộc sống của người dân. Một trong những cơ quan tham gia là Cơ quan thúc đẩy kinh tế số sẽ tập trung vào phát triển hạ tầng Internet tốc độ cao và WiFi miễn phí để phát triển thành phố thông minh.
Thái Lan áp dụng thí điểm thành phố thông minh từ năm 2016 nhằm biến Phuket thành trung tâm du lịch quốc tế, Khon Kaen thành trung tâm y tế, Chiang Mai tập trung vào nông nghiệp thông minh.
Tại tỉnh Chiang Mai, mô hình thành phố thông minh sẽ tập trung phát triển các cơ sở cộng đồng, thúc đẩy du lịch. Lãnh đạo tỉnh, ông Supachai Iamsuwan, cho biết tỉnh này cũng sẽ khuyến khích du lịch văn hóa, nông nghiệp an toàn nhằm giúp tăng thu nhập cho nông dân, bảo vệ môi trường...
Về năng lượng, Chiang Mai cũng tăng cường sử dụng năng lượng sạch cũng như ngầm hóa các đường dây điện để cải thiện cảnh quan đô thị. Việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo cũng là một trong những yếu tố giúp hiện thực hóa giấc mơ Thái Lan 4.0 của Bangkok.
Cuộc đua thành phố thông minh ở ASEAN
Bangkok hi vọng với vị trí chủ tịch ASEAN trong năm nay, các hoạt động của Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN sẽ tạo ra mô hình thành phố thông minh ở các thành viên của khối.
Không chỉ Thái Lan, chính quyền khắp khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đều có kế hoạch xây dựng thành phố thông minh dù mỗi nơi đều có những điểm mạnh, yếu và cả định nghĩa về thành phố thông minh khác nhau.
Bên cạnh Singapore đi tiên phong trong xây dựng đô thị thông minh, Myanmar cũng đang xây dựng thành phố lớn thứ hai nước này, Mandalay, thông minh hơn bằng việc sử dụng cảm biến khắp thành phố để theo dõi các vấn đề về nước, sử dụng thiết bị bay không người lái hoạch định hệ thống thoát nước.
Đà Nẵng của Việt Nam cũng tham vọng trở thành thành phố thông minh vào năm 2020 theo hướng thân thiện với môi trường. New Clark City, Philippines hướng tới thành phố xanh công nghệ cao với xe không người lái, robot...
Người Thái định nghĩa thành phố thông minh ra sao?
Theo Bangkok Post, các lĩnh vực Thái Lan muốn "thông minh" hơn bao gồm kinh tế, đi lại, năng lượng, lối sống, con người, quản lý và môi trường. Thông qua sáng tạo và kỹ thuật số, xứ sở chùa vàng muốn trở thành một quốc gia có thu nhập cao, có sự phát triển đồng đều và chất lượng cuộc sống cao.
Chẳng hạn, khu vực thành phố thông minh sẽ sử dụng các cảm biến dữ liệu điện tử để quản lý tài sản và nguồn lực hiệu quả hơn. Các dữ liệu được thu thập từ người dân, thiết bị... sẽ được xử lý và phân tích để áp dụng trong việc quản lý giao thông, điện, nước, rác thải, thi hành luật, hệ thống thông tin, trường học, bệnh viện và các dịch vụ cộng đồng.
Bên cạnh đó, trong thành phố thông minh, ứng dụng xe buýt trường học sẽ giúp học sinh đi lại an toàn, các cảng sông thông minh sẽ giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông, du lịch sẽ sử dụng robot, ứng dụng điện thoại để cung cấp thông tin, người dân có thể khiếu nại và theo dõi các vấn đề của thành phố trên ứng dụng điện thoại.
Tác giả bài viết: Hữu Thiện (ST)
Nguồn tin: tuoitre.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn