Ký ức Quy Nhơn
Đó là những ngày TP Quy Nhơn được ví von như công trường rộn tiếng ca vang. Trong ngôi nhà sinh hoạt tập thể tại Công ty CP Đường sắt Nghĩa Bình (Phó Đức Chính, TP Quy Nhơn), ông Trần Đình Tạo (nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty trong giai đoạn năm 1977 - 1979), Phó Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong tỉnh, người được giao nhiệm vụ huy động lực lượng tập trung cho việc khôi phục, xây dựng tuyến đường sắt Bắc - Nam kể lại: Tôi nhớ như in không khí trên công trường ngày đó: Rộn ràng tiếng nói cười, người gánh đá, người lắp ray, người vặn vít, đổ đất; ngày lao động, đêm sinh hoạt văn nghệ... khí thế bừng bừng. Rồi một ngày, hàng ngàn công nhân vỡ òa trong niềm vui, hạnh phúc, họ đứng thành hàng hai bên, với cuốc xẻng trên tay, với cờ bay phất phới đón chuyến tàu thống nhất Bắc - Nam đầu tiên về tới ga Diêu Trì.
Có thể nói những năm tháng đầu tiên sau giải phóng ấy, cả tỉnh mà đặc biệt là ở Quy Nhơn, nguồn sống như tinh thần lao động hăng say kể trên đã đưa Bình Định vươn nhanh lên phía trước. Ông Đỗ Đình Phương, Giám đốc Công ty CP Công viên Cây xanh & Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn, nhớ lại: Chừng 10 năm sau giải phóng, TP Quy Nhơn lúc đó mới có vài ba vườn hoa sơ sài, phần lớn phố xá nhỏ hẹp. Mãi đến năm 1993, khi về Công ty, tôi mới nhận nhiệm vụ “làm đẹp” thành phố với việc xây dựng thêm nhiều công viên, hoa viên; trồng cây xanh; trồng hoa. 20 năm dệt hoa cho phố phường, đến nay cả Quy Nhơn đã có 105 ha công viên; 72.000 cây xanh, 17.000 bộ đèn chiếu sáng; 47 nút đèn giao thông; hệ thống đèn trang trí, đèn chiếu sáng phủ hết các tuyến đường, các khu dân cư.
“Ngày đó, chúng tôi đặt mục tiêu phát triển thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp; mỗi năm đơn vị đặt chỉ tiêu trồng mới trên 4.000 cây xanh, tạo thêm tiểu cảnh, hoa viên trang trí... Giờ nhẩm lại thấy hạnh phúc vì thành phố rất xanh”, ông Phương bồi hồi.
Cứ mỗi lần ký ức về Quy Nhơn những năm sau giải phóng ùa vào, nhạc sĩ Lý Anh Võ (SN 1958, ở Quy Nhơn) lại thì thầm lời ca “Nào ta đi lên xây dựng quê hương. Bừng sáng đẹp trong muôn câu ca...” (Trên công trường rộn tiếng ca, nhạc và lời: Ngô Quốc Tính). Ông chỉ về phía đường Nguyễn Huệ, bảo, trước năm 1975 nơi ấy là cát và xương rồng, bây giờ là phố phường nhộn nhịp. Quy Nhơn ngày ấy căng tràn sức sống và hăm hở băng băng tới các bạn trẻ ạ! Lớp chúng tôi sục sôi niềm cống hiến cho quê hương!
Quy Nhơn hôm nay trở thành thành phố hoa bên bờ biển biếc. Sâu thẳm trong nó là những ký ức về một thị xã sau ngày giải phóng được dựng xây từ những bàn tay, khối óc của những con người thế hệ trước. Họ dựng xây quê hương bằng tình yêu đặc biệt của mình với thành phố này, để hôm nay chúng ta có một Quy Nhơn rực rỡ, bừng sáng.
Thành phố hôm nay
Thực tế, hiếm nơi nào như TP Quy Nhơn, song hành cùng sự phát triển thành chính quyền nơi đây vẫn ưu tiên những địa điểm đẹp, mảnh đất vàng dành phát triển không gian chung như thảm cỏ ở Quảng trường Trung tâm Thương mại, Quảng trường Nguyễn Tất Thành; hệ thống công viên, hoa viên kéo dài từ Mũi Tấn tới cuối đường An Dương Vương (phường Ghềnh Ráng); khu vui chơi cho người dân ven biển, phố đi bộ…
|
Với Khu trung tâm nội thành gồm 12 phường, đến nay thành phố đã hình thành các đô thị mới như đô thị phía Tây đường An Dương Vương, đô thị xanh Vũng Chua, đô thị dịch vụ - du lịch hồ Phú Hòa, đô thị Hưng Thịnh, đô thị khoa học Quy Hòa...; triển khai đồng bộ xây dựng nhiều khu dân cư (KDC) mới, khu tái định cư mới như: KDC phía Ðông đường Nguyễn Trọng Trì, KDC phía Bắc làng trẻ em SOS phường Nhơn Bình, KDC phía Ðông Viện Sốt rét - Ký sinh trùng... Các công trình trọng điểm đã và đang hoàn thiện như Trung tâm hành chính thành phố, Trung tâm văn hóa tỉnh, Trung tâm Quốc tế Khoa học & Giáo dục liên ngành, Tổ hợp không gian khoa học, các trung tâm thương mại, hệ thống hồ sinh thái Ðống Ða, Bàu Sen, Phú Hòa; công viên biển Xuân Diệu; các tuyến đường nội thị mở rộng và phát triển. |
Được quy hoạch bài bản, khang trang và phát triển hơn, thành phố luôn giàu nội lực tiềm sinh. Mươi năm trước, trong một bài viết của mình, đàn anh của chúng tôi - nhà báo Ngọc Minh ví von, nếu ví Quy Nhơn như một con chim đang bay thì đường băng sân bay Quy Nhơn chính là xương sống. Và con chim ấy đang bay chỉ bằng một cánh phía Đông. Mươi năm sau, chỉ cần dạo lướt qua thành phố, bất cứ ai cũng tin rằng con chim Quy Nhơn đang tung cả hai cánh bay vút lên cao về phía biển xanh.
Sáng 30.3, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Lê Anh Sơn khẳng định: Thành ủy, UBND thành phố tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư, phát triển, đặc biệt là các công trình chỉnh trang đô thị. Sự phát triển của thành phố không chỉ thể hiện ở sự phát triển về cơ sở vật chất mà đi cùng với nó chất lượng phục vụ nhân dân từ các cơ quan hành chính, hệ thống y tế - giáo dục, đời sống người dân ngày càng nâng cao.
TP Quy Nhơn tiếp tục thực hiện chương trình phát triển KT-XH nhanh và bền vững đến năm 2020, nhằm đạt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra: Tổng giá trị sản xuất bình quân tăng trên 12,4%; dịch vụ tăng trên 13%; nông, lâm, thủy sản tăng 4%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, theo đó năm 2020 tỉ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 50,5%; dịch vụ chiếm 46,3% và ngành nông nghiệp chiếm 3,1%; tổng thu ngân sách hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu 5%...
THU DỊU - VÂN PHI
Tác giả bài viết: HT (ST)
Nguồn tin: Báo Bình Định ngày 30/3/2019:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn